Hơn 99% nhà ở kết hợp kinh doanh ở TPHCM trang bị bình chữa cháy
(Chinhphu.vn) - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM cho biết, hơn 99,33% nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn đã trang bị bình chữa cháy xách tay theo quy định.
Công an TPHCM vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCCC&CNCH năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TPHCM cho biết, năm 2022, TPHCM xảy ra 232 vụ cháy, làm chết 4 người, bị thương 14 người, gây thiệt hại gần 18.000m2 diện tích nhà xưởng, hàng trăm nhà dân cùng nhiều tài sản, máy móc thiết bị của người dân, doanh nghiệp, ước tính thành tiền khoảng 39.230 tỷ đồng. Thành phố cũng xảy ra 2 vụ nổ, làm bị thương 2 người.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã trực tiếp cứu 75 người và hướng dẫn cho hơn 200 người tự thoát nạn trong các đám cháy, tổ chức di dời, bảo vệ tài sản cho người dân, doanh nghiệp trong các vụ cháy. Ngoài ra, lực lượng còn thực hiện nhiệm vụ CNCH đối với 290 vụ tai nạn, sự cố, đã cứu được 102 người và tìm được 35 thi thể nạn nhân.
Ứng dụng "Help 114" của PC07 đã thu hút hơn 30.000 lượt người cài đặt, đã đăng phát gần 5.000 bản tin cảnh báo về cháy, nổ, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH đến hàng trăm ngàn lượt người dân trên địa bàn; trang Zalo của đơn vị đã có 3.716 người theo dõi.
Đối với các trường hợp nhà để ở kết hợp kinh doanh sản xuất, tính đến hết ngày 11/12/2022, đã có 107.463 trường hợp mở lối thoát nạn thứ 2 (đạt 98,05%), 108.368 trường hợp trang bị bình chữa cháy xách tay theo quy định (đạt 99,33%), 100.535 trường hợp trang bị phương tiện thoát nạn tại chỗ như búa, rìu, thang dây… (đạt 92,15%).
Đối với các trường hợp nhà ở hộ gia đình, đã có 1.376.952 trường hợp mở lối lối thoát nạn thứ 2 (đạt 82,54%), 1.649.540 trường hợp trang bị bình chữa cháy xách tay theo quy định (đạt 98,88%), 1.604.665 trường hợp trang bị phương tiện thoát nạn tại chỗ như búa, rìu, thang dây… (đạt 96,19%).
Đơn vị đã tiếp nhận 9.293 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC về PCCC&CNCH, trong đó, có 3.850 hồ sơ tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (đạt tỉ lệ 41,43%, vượt chỉ tiêu 21,43%).
Năm 2022, PC07 đã tham mưu trình Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM 14 văn bản chỉ đạo, định hướng công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Trong đó, tập trung 5 nội dung trọng tâm: Tổ chức 3 cuộc thực tập Phương án chữa cháy và CNCH, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 và Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an; Tổ chức thành công Hội thi vòng loại thể thao nghiệp vụ CNCH toàn quốc lần thứ II - Cụm thi đua số X - Bộ Công an; Triển khai thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và giải quyết một số thủ tục hành chính về PCCC&CNCH trong ngày; Xây dựng hoàn thành và ra mắt các "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh, năm 2022 lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, xây dựng hình ảnh đẹp về người lính PCCC trong lòng nhân dân và gìn giữ được danh dự của người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH.
Tuy nhiên vẫn còn những tiềm ẩn về nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố; hiểu biết kiến thức pháp luật về PCCC của người dân còn hạn chế; việc trang bị phương tiện phục vụ công tác chữa cháy còn chưa đáp ứng yêu cầu... Vì vậy, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng yêu cầu các đơn vị trong năm 2023 phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác điều tra cơ bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH; phối hợp với các cấp, tham mưu cho chính quyền địa phương, lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Bộ khắc phục triệt để những tồn tại công tác về PCCC&CNCH trên địa bàn quản lý...
Đồng thời tham mưu UBND Thành phố triển khai Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn, dự án quy hoạch ngành PCCC... nhằm kiềm chế, kéo giảm xuống thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trên địa bàn thành phố.
Lệ Vũ