Kế hoạch phòng, chống viêm gan do virus tại TPHCM giai đoạn 2022-2025

26/12/2022 3:07 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%; giảm lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con; giảm thiểu lây truyền virus viêm gan B, C 100% tại cơ sở y tế và giảm thiểu lây truyền trong nhóm sử dụng ma túy...

Kế hoạch phòng, chống viêm gan do virus tại TPHCM giai đoạn 2022-2025 - Ảnh 1.

TPHCM đẩy mạnh tăng cường tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em - Ảnh minh họa

Theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao.

Tại TPHCM, giám sát dịch tễ học 810 mẫu cho thấy, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính là 9,3%, từng nhiễm virus viêm gan B là 54,5%. Đối với virus viêm gan C, tỉ lệ người bị mạn tính là 0,3% và đã từng nhiễm là 1,5%.

Riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 bệnh nhân khám các bệnh về gan, trong đó viêm gan virus B chiếm khoảng 60%, viêm gan virus C chiếm khoảng 14%.

Trước tình hình này, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025.

Theo kế hoạch, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5%; giảm lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con (sàng lọc đạt trên 70%); giảm thiểu lây truyền virus viêm gan B, C 100% tại cơ sở y tế và giảm thiểu lây truyền trong nhóm sử dụng ma túy.

Đồng thời, loại trừ lây truyền viêm gan B, C qua đường máu; giảm lây truyền virus viêm gan A, E qua đường tiêu hóa; giảm xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan virus B, C…

Để đạt được các mục tiêu trên, TPHCM sẽ huy động nhiều nguồn lực xã hội, vận động sự tham gia của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng cùng xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống viêm gan. Đặc biệt, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống bệnh tật của địa phương; tăng cường tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ em; nâng cao năng lực về chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, quản lý cho đội ngũ y tế cơ sở...

Bệnh có thể phòng ngừa được

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của bệnh viêm gan virus.

Có 5 loại virus viêm gan, gồm: A, B, C, D và E. Trong đó, virus viêm gan B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Virus viêm gan D chỉ lây truyền khi có mặt virus viêm gan B và có đường lây truyền tương tự virus viêm gan B. Virus viêm gan A và E lây truyền qua đường phân-miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Trong các loại virus viêm gan, virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) thường gây bệnh mạn tính và có các biến chứng xơ gan, ung thư gan gây tử vong cao.

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng chức năng chữa bệnh sớm và đúng quy định. WHO khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm phòng viêm gan B.

Mặc dù có thể dự phòng được, nhưng năm 2019 tỉ lệ bao phủ vaccine viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 85% thấp hơn so với mục tiêu cần đạt là 90%, trong đó tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới đạt 43%.

Với bệnh viêm gan virus C, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Các phác đồ sử dụng thuốc kháng virus trực tiếp thế hệ mới được sử dụng đơn giản với thời gian điều trị ngắn, ít độc tính và có tỉ lệ điều trị khỏi trên 95%, đặc biệt có một số loại thuốc có tác dụng với tất cả các loại gene. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các loại thuốc này vẫn còn thấp do chi phí chẩn đoán và điều trị còn cao.

Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C được Bộ Y tế và WHO thực hiện năm 2017, Việt Nam ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính.

Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

A. Kiên  

Top