Mở cửa du lịch: Để du khách đến 'tiêu tiền' chứ không phải 'bị làm phiền'
(Chinhphu.vn) - TPHCM là một trong 7 địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, để thí điểm thành công, trước tiên cần chính sách thông thoáng và cởi mở, làm sao để du khách đến Việt Nam “tiêu tiền” chứ không phải “bị làm phiền”.
Ngày 15/3 tới, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển. Trao đổi về mốc thời gian quan trọng này, đại diện một số doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, làm thế nào để Việt Nam đón khách du lịch quốc tế đạt hiệu quả nhất.
Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietjetours cho biết, đầu tiên phải nhìn nhận yếu tố tự bản thân du khách, đó là chỉ khi thấy điều kiện sức khoẻ tốt thì họ mới quyết định đi du lịch. Do vậy, việc xét nghiệm cho du khách khi vào Việt Nam cần thuận lợi và tránh làm phiền bằng nhiều thủ tục.
Ví như việc thực hiện quét mã khai báo y tế (nếu có), khi du khách đến và đi nhiều thì cũng cần tính lại xem có thực sự cần thiết không, có cần phải yêu cầu du khách khai báo nhiều lần, gây phiền phức không.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, ông Bùi Thế Duy thông tin: Nước Đức mở cửa cho du khách chỉ cần tiêm vaccine đủ mũi là được (có quy định loại vaccine), không cần phải trình xét nghiệm PCR. Với nước Áo, những ai chưa tiêm mũi tăng cường thì cần trình giấy xét nghiệm PCR âm tính, nếu đã tiêm đủ mũi (hai mũi cộng 1 mũi tăng cường) thì không cần xét nghiệm. Nước này quy định loại vaccine hợp lệ như: BioNtech/Pfizer, AstraZeneca, Covishield, Covaxin, Johnson & Johnson, Moderna, Sinovac và Sinopharm.
Ông Duy cho rằng, ngoài chính sách đón tiếp thông thoáng và cần học tập các nước, thì cơ sở vật chất của các khách sạn hiện khá ổn. Tuy nhiên, cần lưu ý tạo điều kiện thủ tục thông thoáng cho du khách nếu khi họ đến Việt Nam và mắc COVID-19, đặc biệt là với vấn đề bảo hiểm COVID-19 nếu họ có.
Còn ông Phạm Quang Phúc, Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam PathFinder thì cho hay, công ty của ông đã bắt đầu có khách đặt tour. Qua những thông tin của du khách khi đặt tour đến Việt Nam thì ông nhận thấy du khách nước ngoài không sợ COVID-19 như ở nước ta. Theo ông Phúc, du khách nước ngoài hầu hết có tiêu chuẩn sống rất cao, vì vậy du lịch là không thể thiếu được. Trước khi đi, họ đã được tư vấn các gói bảo hiểm có điều trị COVID-19 nếu nhiễm trong quá trình đi du lịch.
Ông Phúc cũng cho rằng, chúng ta mất một lượng khách khá lớn là các du khách lớn tuổi do thiếu may mắn, không qua khỏi đại dịch COVID-19 trong hai năm vừa qua. Do vậy, chưa thể có một sự đột biến về du khách đến Việt Nam hậu COVID.
Và một điểm thấy rõ trong quá trình đặt tour đến Việt Nam của du khách đó là họ đã tiết kiệm hơn trước đây. Cụ thể, đó là lịch trình ngắn hơn, giảm chi phí tối đa để tiết kiệm tiền. Họ cũng có xu hướng lưu trú một nơi lâu hơn, không muốn di chuyển nhiều nơi, họ thậm chí tự đặt phòng khách sạn vì hiện nay bản thân các khách sạn tự tiếp thị trên mạng với giá phòng rất rẻ. Tất nhiên đây vẫn là thời gian đầu của du lịch khi mở cửa trở lại.
Ông Phạm Quang Phúc nhấn mạnh: Đây là thời điểm vàng mà Chính phủ, Tổng cục Du lịch cần đẩy mạnh quảng cáo về du lịch Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là kỳ nghỉ hè xắp đến. Tuy nhiên, cần lưu ý đầu tư hình ảnh và video quảng cáo với nội dung thật tốt, nhất là phải giới thiệu được hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam thì chắc chắn, du khách sẽ quan tâm hơn trong dịp này, khi họ rất háo hức được đi du lịch trở lại.
Giang Vũ