Nhiều dự án giao thông cửa ngõ TPHCM chuẩn bị được mở rộng

13/02/2025 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa trình UBND Thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đầu tư nâng cấp các trục đường hiện hữu trên địa bàn theo phương thức BOT.

Nhiều dự án giao thông cửa ngõ TPHCM chuẩn bị được mở rộng- Ảnh 1.

Hướng tuyến mở rộng quốc lộ 22 qua TPHCM - Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Theo đó, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22 ở cửa ngõ phía tây Thành phố sẽ được mở rộng từ 20-25 m lên 60 m, với 10-12 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 26.600 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, các dự án trên đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vừa được Sở trình UBND Thành phố xem xét. Đây là hai trong 5 dự án đầu tư nâng cấp các trục đường hiện hữu của TPHCM triển khai theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép Thành phố áp dụng.

Cụ thể, Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh sẽ được nâng cấp trên tổng chiều dài gần 10 km, điểm đầu giao với đường Kinh Dương Vương, điểm cuối giáp Long An. Mặt đường từ 6 làn xe sẽ được mở rộng lên 10-12 xe, đạt chiều ngang 60 m như quy hoạch.

Trên tuyến, các nút giao lớn sẽ được xây dựng khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) nhằm giảm xung đột với đường xung quanh, đảm bảo xe chạy trên tuyến chính thông suốt. Riêng cầu Bình Điền cũng được mở rộng đồng bộ giao thông toàn tuyến.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.270 tỷ đồng, gồm cả lãi vay trong quá trình thi công. Trong đó, ngân sách tham gia 59% (hơn 9.600 tỷ đồng), phần còn lại 6.659 tỷ do nhà đầu tư huy động (chiếm 41%). Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư dự kiến được thu phí hoàn vốn trong 21 năm 10 tháng.

Đối với Quốc lộ 22, cửa ngõ phía tây bắc, qua Quận 12 và huyện Hóc Môn cũng sẽ được đầu tư nâng cấp trên đoạn dài hơn 8 km, từ nút giao An Sương đến Vành đai 3.

Dự án có quy mô mặt đường lên 60 m, 10 làn xe, nút giao lớn được xây khác mức để giảm giao cắt với các tuyến đường xung quanh. Trong đó, 4 làn xe ở giữa tuyến sẽ được thiết kế cho xe chạy nhanh với vận tốc 80 km/h, các làn còn lại ở hai bên cho xe chạy 60 km/h.

Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 10.451 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay trong quá trình thi công. Vốn nhà nước chiếm hơn 59% (khoảng 6.234 tỷ đồng), phần còn lại do nhà đầu tư huy động. Doanh nghiệp dự án dự kiến được thu phí hoàn vốn trong 23 năm 10 tháng.

Quốc lộ 22 sau khi được đầu tư nâng cấp, cùng với các dự án đã và đang triển khai ở khu vực như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh khu vực phía tây Thành phố, liên kết vùng Đông Nam Bộ.

Theo kế hoạch, dự án nâng cấp Quốc lộ 1 và 22 sẽ được giải phóng mặt bằng trong năm nay, song song hoàn tất các thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình xây dựng thực hiện trong năm 2026, hoàn thành và khai thác sau đó hai năm.

Nhiều dự án giao thông cửa ngõ TPHCM chuẩn bị được mở rộng- Ảnh 2.

Phương án làm đường trên cao 4 làn xe trên Quốc lộ 13 - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TPHCM

Đề xuất làm đường trên cao nối TPHCM - Bình Dương

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, Quốc lộ 13 nối TPHCM với Bình Dương cũng sẽ được nâng cấp với tổng chiều dài khoảng 6,3 km, từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình (bao gồm cả phần đường đầu cầu thuộc địa phận Bình Dương).

Dự án có quy mô mở rộng mặt đường từ 4-6 làn xe lên 10 làn, rộng 60 m, cùng hành lang trồng cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật dọc bên...

Ngoài mở rộng mặt đường, khoảng 3,2 km ở giữa tuyến sẽ làm trên cao (cầu cạn) với quy mô 4 làn xe, hai bên là đường song hành.

Tổng mức đầu tư dự án hiện được tính toán sơ bộ hơn 21.700 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay trong quá trình thi công. Trong đó, vốn nhà nước tham gia 68% (hơn 14.700 tỷ đồng), hơn 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động. Dự kiến nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong 21 năm 4 tháng.

Theo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu từ quý III năm nay, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện song song. Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu từ quý III/2026, hoàn thành và khai thác sau hai năm.

Cùng với các dự án trên, Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng đề xuất triển khai 2 dự án nâng cấp đường hiện hữu theo hình thức BOT khác, gồm: dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và dự án cầu - đường Bình Tiên nhằm giúp tăng năng lực giao thông trên các tuyến đường này.

Ngọc Tấn

Top