Nhớ những mùa xuân “rợp bóng cờ bay” trên Thành phố mang tên Bác

01/02/2025 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Xuân Ất Tỵ 2025 này, thấm thoắt Thành phố Hồ Chí Minh đã đi qua 50 mùa xuân giải phóng. Nhớ về những mùa xuân qua, phác ra những mùa xuân tới, càng thấy rõ nhân tố tiên quyết của những thắng lợi và thành công.

Nhớ những mùa xuân “rợp bóng cờ bay” trên Thành phố mang tên Bác- Ảnh 1.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Nửa thế kỷ trước, theo bước chân thần tốc của 5 cánh quân tiến về "giải phóng Thành đô", nhạc sĩ Xuân Hồng đã hoàn thành bài hát "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" với hình ảnh 'mùa xuân" được nhắc đến rất nhiều, từ câu mở đầu "Mùa xuân này về trên quê ta; khắp đất trời biển rộng bao la" đến "Thành phố Hồ Chí Minh năm nay; Mùa xuân về rợp bóng cờ bay". Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông - thật sự "qua hết rồi những năm thương đau" để tưng bừng trong "cờ sao đang tung bay cao" và bước vào "Mùa xuân đầu tiên" (nhạc và lời Văn Cao) "dặt dìu... theo én về".

Ngay sau mùa xuân đầu tiên ấy, những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới ập đến, giặc giã và thiên tai đẩy đất nước vào tình thế "Lụt bắc, lụt nam. Máu đầm biên giới/Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân". Nhưng mùa xuân Kỷ Mùi (1979) lại rợp bóng cờ đại nghĩa thắng hung tàn - Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bảo vệ nền hòa bình thống nhất độc lập dân tộc và giúp bạn qua cơn nạn diệt chủng.

"Rồi dặt dìu" đến mùa xuân Quý Hợi (1983), Hội nghị Đà Lạt không cờ hoa nhưng vẫn rợp ánh sao tất thắng của tư tưởng "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật" tìm đường đổi mới. Năm ấy, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 3 vang lên câu khảng khái "Vì cả nước, cùng cả nước, Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng; vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".

Tiếp đến mười mùa xuân kể từ Đại hội Đổi mới (1986) đến Đại hội Công nghiệp hóa hiện đại hóa (1996), niềm vui đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi nhóm 20 nước nghèo nhất thế giới. Trong 10 năm ấy, Thành phố mang tên Bác đã chuyển mình mạnh mẽ dọc hành trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, giữ vị thế và vai trò đầu tàu kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Có những mùa xuân "rợp bóng cờ bay" đón Khu chế xuất đầu tiên của cả nước ra đời mang tên Tân Thuận (1991) hay chứng kiến vùng đầm lầy 'lột xác' thành khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu đầu tiên của cả nước - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (1996-2018). Những mùa xuân từ năm 2000 trở đi, bao "niềm vui nay đến bất ngờ" và "ngày đi như trong đêm mơ" khi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đầu tiên được thành lập (2000); khi Công viên phần mềm Quang Trung đầu tiên được thành lập (2001); khi Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo và hồi sinh (2002-2012); khi Đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á vượt sông Sài Gòn (2011)… Thành phố "rợp bóng cờ bay" cả những mùa xuân khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo" (1992), "Xuân tình nguyện" (1999); lập Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc" (2012)…

Những năm cả nước chống đại dịch COVID-19 (2020-2021) "như chống giặc", thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố vẫn bảo đảm an sinh xã hội, vẫn tổ chức "Tết Văn hóa - Nghĩa tình", vẫn đảm bảo mọi người đều được vui Xuân đón Tết, không ai bị bỏ lại phía sau…

Những năm 2022-2025 thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tạo lại thời cơ tiếp tục vực dậy nền kinh tế đầu tàu cả nước.

Mùa xuân Ất Tỵ 2025 này, thấm thoắt Thành phố Hồ Chí Minh đã đi qua 50 mùa xuân giải phóng. Nhớ về những mùa xuân qua, phác ra những mùa xuân tới, càng thấy rõ nhân tố tiên quyết của những thắng lợi và thành công. Nửa thế kỷ với 4 Nghị quyết của Trung ương dành cho Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, để Thành phố giữ vị thế đầu tàu, tiên phong, về đích trước (Nghị quyết 01-NQ/TW năm 1982 về công tác Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2002 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010; Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Càng nhớ thuở Bác rời bến Nhà Rồng, mỗi công dân Thành phố mang tên Bác càng tự hào hát vang "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" và nguyện đem sức lực, trí tuệ góp vào những mùa xuân không xa sánh vai với các cường quốc.

Hà Minh Hồng

Top