Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2022)

Nhớ thời “Độc lập hay là chết”

21/09/2022 10:46 AM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 2/9/1945, trong rừng cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu mừng độc lập ở Sài Gòn, có một khẩu hiệu chỉ 5 chữ ngắn gọn “Độc lập hay là chết” viết bằng 5 thứ tiếng (Việt-Nga-Anh-Pháp-Trung). Chỉ 21 ngày sau đó (23/9), 5 chữ ấy được lặp lại và giải thích đầy đủ trong lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, mở ra thời kỳ mới với ý chí, khí phách hào hùng cho cả dân tộc.

Nhớ thời “Độc lập hay là chết” - Ảnh 1.

Nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Ảnh tư liệu

Thời ấy, từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, những lớp thanh niên từng sống với thần tượng Nguyễn An Ninh đầu thế kỷ XX, nay chuẩn bị bước vào tuổi tri thiên mệnh, hăng hái gia nhập Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Tiền phong đi giành chính quyền, "tự ta giải phóng cho ta". Chỉ 15 ngày "rũ bùn đứng dậy", 20 triệu dân nô lệ trên cả ba xứ Bắc-Trung-Nam trở thành công dân của một nước cộng hòa, họ nhanh chóng nhận ra trách nhiệm phải giữ gìn nền tự do và độc lập.

Thời ấy, buổi lễ mừng độc lập đầu tiên do Chủ tịch nước chọn vào chiều Chủ nhật ngày 2/9/1945, để có nhiều người được nghỉ và cùng lắng nghe bản Tuyên ngôn Độc lập; bởi lần đầu tiên có lời thề của toàn thể dân tộc "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ gìn nền tự do và độc lập". Và trong ngày trọng đại ấy ở Sài Gòn, có 47 công dân của nền cộng hoà non trẻ đã đổ máu cho nền độc lập.

Thời ấy, thế nước "ngàn cân treo sợi tóc". Hàng chục vạn giặc ngoài, kéo theo bao lớp thù trong, cấu kết với nhau và lăm le muốn bóp chết nền cộng hòa Việt Nam còn trong trứng nước. Giặc đói, giặc dốt hoành hành đời sống 20 triệu dân vừa giành được tự do; "Quỹ độc lập" quyên góp bằng "Tuần lễ vàng"; chiếc áo len của lãnh tụ Hồ Chí Minh mặc khi đi tìm đường cứu nước, được đem đấu giá gom góp thành phong trào "Mùa đông binh sĩ".

Thời ấy, bên trong Hội nghị Cây Mai ở Sài Gòn (ngày 23/9), Xứ ủy và chính quyền nhân dân phát lệnh cho toàn Nam Bộ đứng lên với lời kêu gọi khẩn thiết "Độc lập hay là chết". Bên ngoài, thanh niên xung phong công đoàn đợi lệnh để in thành truyền đơn đạp xe rải khắp Thành phố. Lần đầu tiên các chiến tuyến được dựng lên nối 4 cây cầu (cầu Thị Nghè, cầu Tham Lương, cầu Bình Điền, cầu Chữ Y) ở 4 hướng, hình thành thế trận "Trong đánh ngoài vây" quyết giữ nền độc lập.

Thời ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội truyền đi lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đồng bào Nam Bộ làm theo tinh thần của người cách mạng Pháp "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Cả nước hưởng ứng Nam Bộ kháng chiến, những đội quân "Nam Tiến" từ miền Bắc, miền Trung rầm rập vào Nam tiếp sức chiến đấu bảo vệ tự do độc lập.

Thời ấy, biểu tượng của ý chí vì tự do độc lập là hình ảnh bình dị những công dân của nền dân chủ cộng hòa "Ta đem thân ta liều cho nước; Ta đem thân ta đền ơn trước". Ở Nam Bộ là những lớp người "chân đi không" "nóp với giáo mang ngang vai", kết thành bức "Thành đồng Tổ quốc". Giữa Thủ đô Hà Nội người chiến sĩ tự vệ ôm bom ba càng tự tạo, dũng cảm lao vào xe tăng địch với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Từ hậu phương, những người thợ may dệt áo trấn thủ gửi hơi ấm lòng dân cho người cầm súng ngoài mặt trận. Trên chiến khu, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà năm lần bảy lượt thử nghiệm cho bằng được chiếc áo mưa đa dụng, giúp bộ đội dãi dầu mưa nắng gió sương.

Sài Gòn và cả Nam Bộ đã đứng lên thực hiện lời thề độc lập, đồng thời mở đầu cho 30 năm đấu tranh liên tục không ngưng nghỉ chống ngoại xâm. Nơi đi trước về sau trong chống thực dân phương Tây xâm chiếm thuộc địa nay lại một lần nữa đi trước về sau trong chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất non sông.

Bây giờ thời "sơn hà nguy biến" đã lùi vào lịch sử làm bài học, nhưng tiếng hát "Mùa Thu rồi ngày 23" vẫn vang lên truyền từ đời này sang đời khác. Kháng chiến trường kỳ đã kết thúc, nền cộng hòa độc lập đã vững bền, quá trình xây dựng phát triển theo con đường đổi mới đã thành công; đất nước "chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Cho dù còn nhiều phức tạp và khó lường trong diễn biến tình hình thế giới và khu vực, việc bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc vẫn không một phút lơ là. Lời thề "Độc lập hay là chết" từ Nam Bộ vẫn vẹn nguyên trong ký ức toàn dân tộc.

Hà Minh Hồng

Top