Những ngày không thể quên - Bài 3: Mô hình hay từ thực tiễn

04/02/2022 11:06 AM

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch thứ 4, TPHCM xuất hiện nhiều mô hình phòng, chống dịch hiệu quả xuất phát từ nhu cầu và đặc trưng của từng địa phương. Việc lắng nghe và kịp thời điều chỉnh cũng như sự sáng tạo của các quận, huyện đã giúp TPHCM từng bước giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, hỗ trợ người dân thích nghi với cuộc sống nhiều xáo trộn.

Những ngày không thể quên - Bài 3: Mô hình hay từ thực tiễn - Ảnh 1.

Di chuyển người dân “không F” đến nơi an toàn ở quận Bình Thạnh - Ảnh: VGP/Khởi Minh

An toàn của dân là ưu tiên hàng đầu

Quận Bình Thạnh có 20 phường với khoảng 490.000 dân thì có tới 16 phường tập trung nhiều khu nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ. Theo thống kê, quận có gần 4.000 người lao động đang sinh sống tại các khu trọ và số ca lây nhiễm cộng đồng chủ yếu phát sinh từ đây. Cuối tháng 8/2021, nhận thấy tình hình dịch bệnh quá căng thẳng, Ban Dân vận Quận ủy quận Bình Thạnh đề xuất phương án vận động di chuyển tạm khoảng 50% người dân tại các khu vực nhà trọ có nguy cơ lây nhiễm cao tới nơi an toàn hơn. Trên cơ sở phương án, sự quyết tâm của quận Bình Thạnh, Ban Dân vận Trung ương chấp thuận và chỉ đạo, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp với quận thực hiện. Mô hình Di chuyển người dân "không F" đến nơi an toàn của quận Bình Thạnh ra đời ngay sau đó.

Mọi thứ vô cùng khẩn trương vì thời gian không còn nhiều. Ngày 26/8, kế hoạch ban hành. Ngày 27/8, công tác vận động, tuyên truyền được triển khai. Một ngày sau, gần 1.000 cư dân tại các khu nhà trọ được đưa về Chung cư 1050 và Nhà nghỉ - Khách sạn công đoàn Thanh Đa tránh dịch COVID trong vòng một tháng.

Ngày ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận Bình Thạnh xuống các khu trọ vận động dân di chuyển đến vùng an toàn, nhiều người vẫn xôn xao vì chưa biết nơi ở mới sẽ như thế nào. Cả nhà dìu dắt nhau đi một tháng trời, ở không an toàn hay thiếu thốn thì sợ lắm. Thấu hiểu nỗi lo của người dân, ông Cảnh trấn an "Bà con cứ yên tâm, lên đây mọi người sẽ được chăm lo đầy đủ". 

Những chuyến xe "0 đồng" nhanh chóng đưa người dân "không F" di chuyển đến nơi ở mới. Tại đây, họ được chăm lo đầy đủ về lương thực thực phẩm, được tổ chức xét nghiệm thường xuyên và yêu cầu thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đến lịch tiêm vaccine, 100% người dân tại nơi ở tạm được bố trí tiêm đủ hai mũi. Chỗ ở mới thoáng mát, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, trẻ nhỏ được hỗ trợ học trực tuyến, được đón Tết Trung thu với rất nhiều quà. "Ngày kết thúc kế hoạch, nhiều người xin ở lại thêm. Chúng tôi thấy vui vì giữ được lời hứa với dân khi xuống tuyên truyền. Bà con được chăm lo mọi thứ, được giữ an toàn. Sau khi đưa bà con về nhà, chúng tôi bàn giao cho địa phương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ để duy trì việc phòng, chống dịch hiệu quả. Lúc đó tình hình dịch đã cải thiện hơn, mừng lắm", ông Cảnh nhớ lại.

Việc di dân cũng nằm trong kế hoạch của Quận 7 khi dịch COVID-19 diễn biến khó lường. Đối tượng được địa phương này ưu tiên là người cao tuổi và có bệnh nền đang sống tại các khu trọ, khu dân cư không đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Thời điểm đó, địa phương đã kêu gọi 2.000 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền về ở tập trung tại các nhà trọ cao cấp, khách sạn, ký túc xá… để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. 

Quận 7 có khoảng 4.000 chủ cho thuê với 41.000 phòng trọ, phục vụ nhu cầu sinh sống của 92.000 người, chủ yếu là công nhân tại các khu chế xuất. Khi địa phương kêu gọi, nhiều chủ phòng trọ đã chung tay, giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế cho người thuê trọ. Tại những khu vực đông dân cư, đặc biệt các khu nhà trọ, hẻm dưới 2 mét, nhà ven kênh rạch… chính quyền Quận 7 đã thực hiện việc giãn cách chủ động từ sớm, hạn chế việc lây nhiễm cộng đồng. Quận đã vận động các chủ nhà trọ triển khai mô hình san sẻ phòng trống cho những phòng tập trung quá nhiều người thuê trong giai đoạn này. Ngày Quận 7 trở thành quận đầu tiên của TPHCM được công nhận "vùng xanh", từ các con hẻm nhỏ vang tiếng nói cười của người dân.

Những ngày không thể quên - Bài 3: Mô hình hay từ thực tiễn - Ảnh 2.

Chốt bảo vệ “vùng xanh” tại Cư xá Đô Thành, Phường 4, Quận 3 - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Giữ vững những "vùng xanh"

Siết chặt "vùng đỏ", giữ vững và nhân rộng "vùng xanh" cũng là giải pháp được các quận, huyện triển khai hiệu quả trong đợt dịch phức tạp này. Trong giai đoạn cao điểm nhất của dịch bệnh, TPHCM đã kịp xác lập hơn 6.000 "vùng xanh" với khoảng 156.000 người dân cùng tham gia gìn giữ khu vực an toàn. Không chỉ tại khu vực trung tâm, các huyện ngoại thành cũng đã nỗ lực đẩy mạnh mô hình này. Tại huyện Bình Chánh, thời điểm đó cũng có gần 800 tổ nhân dân, tổ dân phố, 8 xã, thị trấn đăng ký mở rộng "vùng xanh". Huyện Củ Chi cũng triển khai các chốt "vùng xanh" ở 80 ấp, khu phố trên những tuyến đường giáp ranh với các địa phương lân cận.

Quận 3 cũng là địa phương triển khai rất tốt mô hình chốt "vùng xanh" trong giai đoạn TPHCM tiến hành giãn cách xã hội. Vào cuối tháng 7/2021, quận có hơn 760 Tổ COVID-19 cộng đồng và gần 160 chốt bảo vệ "vùng xanh" rải đều ở 12 phường. Về sau, số chốt bảo về "vùng xanh" tiếp tục tăng cao, lấp vào vị trí các "vùng đỏ", "vùng cam". Chốt bảo vệ "vùng xanh" tại Cư xá Đô Thành, Phường 4, Quận 3 là chốt đầu tiên trong mô hình này trên địa bàn quận. Không cấm người dân ra vào chốt nhưng lực lượng gác chốt kiểm soát chặt việc giao nhận hàng, xịt khuẩn để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Nhớ lại những ngày đều đặn ra nhận hàng tại chốt "vùng xanh", bà Thanh, một người dân tại Cư xá Đô Thành cho biết: "Thực sự cảm ơn mọi người lập ra cái chốt thiết thực đó vì giúp bà con cư dân hạn chế tiếp xúc với người lạ, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng. Khi có việc ra ngoài, chỉ cần lý do chính đáng, người dân đều được đi. Ngay lúc dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, làm vậy là hợp lý và hiệu quả".

Tại quận Phú Nhuận, ca bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ 4 được ghi nhận vào ngày 30/5/2021, kể từ đó, số ca nhiễm tăng liên tục, cao nhất là tháng 7. Từ ngày 13/7, phong trào thi đua "Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19" của quận Phú Nhuận được triển khai ở cả 13 phường. Ngay lập tức, lực lượng tại chỗ chung tay. Việc sở hữu gần 92% tổ dân phố không có khu vực phong tỏa vào thời điểm đó giúp bản đồ COVID-19 tại quận Phú Nhuận nhanh chóng được "phủ xanh". Các tổ dân phố và người dân chia nhau trực tại gác chốt, thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ quy định giãn cách nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Trong lúc đó, chính quyền quận Phú Nhuận tập trung thực hiện công tác xét nghiệm, khẩn trương đánh giá mức nguy cơ, tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các vùng "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" để kịp thời khoanh vùng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước kiểm soát dịch bệnh. Quận thành lập Tổ công tác đặc biệt tại 13 phường để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì hoạt động của 5 chốt kiểm soát cấp quận, 4 tổ kiểm tra lưu động cấp quận, 26 tổ kiểm tra lưu động cấp phường, nhất là trong các khu vực hẻm nhỏ, mật độ dân cư cao.

Từ ngày lập các chốt trực "vùng xanh", bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND Phường 10, quận Phú Nhuận thường xuyên đến kiểm tra tình hình thực tế để kịp động viên, nhắc nhở bà con. Phường 10 chủ động chọn các hẻm cụt làm chốt gác "vùng xanh" nhằm nâng cao hiệu quả tự quản của các vùng an toàn. Vào sáng sớm và sau 18 giờ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành công tác kiểm tra tại các điểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp không chấp hành nghiêm.

Không chỉ yêu cầu người dân cách ly người với người, gia đình với gia đình trong giai đoạn giãn cách kéo dài, quận Phú Nhuận đẩy mạnh các kênh kết nối hỗ trợ người dân giữ vững "vùng xanh". Ngoài tổ chức phát thanh tuyên truyền theo các khung giờ định kỳ, thiết kế tờ bướm, sổ tay tuyên truyền đến các hộ dân, quận Phú Nhuận còn có nhiều kênh trực tuyến để người dân liên hệ khi cần. Ngay thời điểm các ca F0 liên tục tăng, quận thực hiện công bố "Đường dây nóng tiếp nhận thông tin và tư vấn phòng, chống dịch COVID-19" và "Kênh trao đổi thông tin về dịch COVID-19". Nhờ vậy, nhiều người dân đã kịp thời phản ánh các vấn đề nóng cần được xử lý nhanh. Theo ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Quận Phú Nhuận, chính các mô hình đi từ nhu cầu thực tế này đã giúp người dân thấu hiểu và hợp tác với chính quyền nhiều hơn trong quá trình "chiến đấu" với dịch COVID-19. Điều này chứng tỏ mọi thứ không chỉ là khẩu ngữ, băng rôn sáo rỗng mà là mô hình cụ thể, tác động đến từng hộ gia đình.

Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang dần ổn định khi số ca F0 giảm mạnh, tỉ lệ người dân được tiêm vaccine mũi 3 ngày càng cao. TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện đã đạt chuẩn "vùng xanh" ngay thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân phấn khởi bắt đầu năm mới với niềm tin dịch bệnh rồi sẽ qua đi./.

Khởi Minh

Top