Những ngôi mộ không rõ thông tin ở nghĩa trang liệt sĩ
(Chinhphu.vn) - Nghĩa trang liệt sĩ (Thành phố Thủ Đức) là nơi an nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Chúng tôi tìm về nơi đây vào ngày cuối tháng 4 lịch sử mong thắp một nén hương thơm tri ân các bậc tiền nhân.
Mòn mỏi tìm ba
Kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu thập kỷ nhưng nỗi đau thì vẫn luôn ở đó, trên những ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ TPHCM và trên từng tấc đất Việt Nam như một lời nhắc nhở: hoà bình độc lập hôm nay được đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi nước mắt của hàng triệu đồng bào.
Năm nào cũng vậy, chẳng riêng lễ tết, 30/4, 27/7, mà những lúc vui buồn, hay lòng chông chênh nhất Trung tá Lê Minh Lê (Trưởng Công an Phường 1, Quận 3) lại đến Nghĩa trang liệt sĩ trò chuyện cùng ba. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng ba anh - liệt sĩ Nguyễn Minh Trí luôn là điểm tựa để anh nỗ lực phấn đấu và cống hiến.
"Ba mất khi tôi mới hơn 6 tháng trong bụng mẹ. Kỷ vật duy nhất ba để lại là cuốn học bạ của ông. Mẹ kể rằng ba học giỏi, hào hoa, phong nhã nhưng cũng nghịch phá nhất xóm, nhiều lần ba bị ông nội phạt. Ba vào chiến khu khi tuổi đời còn rất trẻ, ở đơn vị ba là thầy giáo. Ba mẹ tôi làm chung đơn vị, rồi quen nhau…", Trung tá Lê Minh Lê lặng người nhớ lại. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng hình ảnh của ba - người chiến sĩ, người thầy giáo kiên trung luôn ở trong tim anh.
Để đảm bảo an toàn, ngày lui về hậu phương, mẹ anh giấu biệt thông tin chồng mình làm cách mạng. Vượt qua mọi điều tiếng, mẹ một mình tảo tần nuôi anh khôn lớn. "Ba mẹ tôi đã ước hẹn ngày đất nước thống nhất ba sẽ trở về…". Nhưng chiến tranh chẳng nói trước được điều gì. Trận càn bất ngờ của lính Mỹ ngày 12/11/1967, chiến sĩ Nguyễn Minh Trí đã anh dũng hy sinh. Trung tá Lê ra đời mang họ mẹ.
Mãi đến sau này, nhiều người mới biết, cậu bé mồ côi cha năm nào là con của Liệt sĩ Nguyễn Minh Trí - Tiểu đội trưởng, Cục Hậu cần Miền. "Ba mất khi vừa 25 tuổi. Nửa đêm, đồng đội và dượng tôi lén trộm xác ba tôi mang đi chôn cất. Trước, khu đó là rừng, lại đêm tối, phần mộ bị thất lạc. Nhưng mẹ tôi bảo không tìm không yên được, mẹ muốn đưa ba về", anh trầm ngâm.
Đau đáu những mộ phần "chưa rõ thông tin"
Trước giải phóng, liệt sĩ Nguyễn Minh Trí được chôn cất ở khu "Tam giác sắt", ngã ba giáp ranh Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh chiến trường của những cuộc đọ sức ác liệt. Sau giải phóng, gia đình anh ròng rã đi tìm mộ ba mấy tháng trời nhưng không tìm thấy. Mãi đến năm 1996, 1997, mẹ anh đi Bình Chánh, Tây Ninh… tìm gặp lại những đồng đội xưa để hỏi, lần lần mới tìm ra.
"Xưa, nguyên khu đó là rừng, ba tôi lại được chôn cất vào đêm tối. Nhưng lúc tìm ra là nguyên cánh đồng ruộng, có duy nhất một ngôi nhà. Sau khi đã xác định được khu vực, gia đình tôi liên lạc quân khu 7, được sự giúp đỡ mới tìm được hài cốt của ba. Ba tôi đã được trở về nhưng còn hàng triệu đồng đội của ông vẫn nằm đâu đó trên mảnh đất này…", Trung tá Lê Minh Lê nghèn nghẹn.
Ngày 26/4/1998, lễ đón nhận, truy điệu và an táng liệt sĩ Nguyễn Minh Trí cùng nhiều đồng đội khác diễn ra trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
Nghĩa trang liệt sĩ (Thành phố Thủ Đức, Quận 9 cũ) là nơi an nghỉ của hơn 14 nghìn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến đấu tranh bảo vệ đất nước. Nhiều anh hùng liệt sĩ đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, được đặt tên cho những con đường, địa danh ở TPHCM như: Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Quách Thị Trang, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Sĩ,…
Nhiều liệt sĩ hi sinh khi tuổi đời mới chỉ ngoài đôi mươi - lứa tuổi đẹp nhất của đời người như liệt sĩ Đào Công Khanh (Đồng Tháp, Trung đoàn 251), Liệt sĩ Bùi Thị Thiết (Nghệ An, binh nhất Đại đội 15 - Trung đoàn 9-F 304)…
Và nơi đây cũng có rất nhiều ngôi mộ chỉ vẻn vẹn là "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Trên mộ phần chỉ có địa chỉ nơi quy tập như: Ấp 1, An Phú Đông, Quận 12… Nhiều liệt sĩ hi sinh khi ngày thống nhất đất nước đã kề cận.
Không chỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ TP Thủ Đức mà rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trên khắp cả nước, những ngôi mộ "chưa rõ thông tin" nhiều không kể xiết. Có những mộ phần đến hôm nay vẫn biền biệt nơi xứ người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở của những người còn sống…
Chiều dần tắt nắng. Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu nhất là với những gia đình thân nhân liệt sĩ…
Huy Phạm