Phát triển xe buýt: Trợ giá trực tiếp cho người dân và “phương tiện xanh”

29/07/2022 8:26 AM

(Chinhphu.vn) - Các địa phương cần tính toán lại vấn đề trợ giá xe buýt theo hướng trợ giá trực tiếp cho người dân và cho những “phương tiện xanh”, nhất là những tuyến buýt ngắn.

Phát triển xe buýt: Trợ giá trực tiếp cho người dân và “phương tiện xanh” - Ảnh 1.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, mỗi năm ngân sách chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt, tuy nhiên, lượng hành khách đi lại qua các năm lại sụt giảm - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Quan điểm trên được đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả" do Báo Giao thông tổ chức ngày 28/7 tại TPHCM.

Xe buýt đáp ứng 10% nhu cầu

TPHCM là đô thị phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt quy mô nhất cả nước. Hiện trên địa bàn Thành phố có 128 tuyến xe buýt hoạt động, tiếp cận 178/322 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá. Năm 2021, ngân sách Thành phố trợ giá cho 1.840 xe hoạt động trên 91 tuyến với số tiền 1.283 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại hình vận tải công cộng này chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân Thành phố và ngày càng giảm.

Chị Phạm Thị Yến, ở phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức cho biết, tuyến xe buýt số 88 đi ngang qua nhà và điểm cuối của tuyến ngay tại nơi làm việc nhưng chị không lựa chọn phương tiện này vì thời gian di chuyển quá lâu. "Tôi đi xe máy hết khoảng 35 phút, nhưng hai lần thử đi xe buýt tuyến số 88 thì hết 1 giờ 25 phút. Như thế quá mất thời gian", chị Yến chia sẻ lý do từ chối xe buýt.

Ý kiến của giới chuyên môn tại Hội thảo cũng cho thấy vấn đề trên là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà với xe buýt.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dẫn con số thị phần vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM còn rất thấp, đáp ứng 9,2% nhu cầu đi lại. Điều này cho thấy xe buýt chưa thu hút người dân bỏ phương tiện cá nhân và chọn xe buýt.

Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM Hà Ngọc Trường thì cho hay, 85% dân số TPHCM thuộc các khu vực hẻm nhỏ, chung cư, xe buýt lớn 30-50 chỗ không tiếp cận được. Thêm vào đó là tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng gần hết nên không có không gian cho người đi bộ.

Không chỉ vậy, chất lượng phương tiện cũng là vấn đề hiện nay, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, Thành phố có khoảng 19% xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm. Do đó, cần phải sớm đầu tư đổi mới nhóm phương tiện này gắn với tổ chức đấu thầu chọn đơn vị khai thác tuyến.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM Lê Trung Tính thông tin, cách đây 5 năm, Thành phố có tới 500 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) nhưng hiện nay xe buýt loại này đã bị tụt giảm vì thiếu hệ thống nạp khí.

Còn theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia lĩnh vực giao thông, khi nào TPHCM chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt, chưa có các trạm trung chuyển, nhà ga cho xe buýt thì không thể phát triển được. Tuy nhiên, khi tổ chức xe buýt đi làn đường riêng, để tránh lãng phí, cần phải có lộ trình tăng thêm nhiều tuyến chạy nối tiếp nhau để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, nhanh chóng của người dân. Ông Nam đề xuất có thể thực hiện trước cho giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất, và phải có giải pháp tổng thể, từ làn đường, tốc độ, số lượng xe… để hành khách đến sân bay đúng giờ.

Trợ giá xe buýt cần hiệu quả

Để khuyến khích các đơn vị đầu tư xe buýt, theo ông Lê Đỗ Mười, các địa phương cần tính toán lại vấn đề trợ giá xe buýt theo hướng trợ giá trực tiếp cho người dân và cho những "phương tiện xanh" như xe buýt sử dụng CNG, nhất là với những tuyến buýt ngắn khoảng 15-20 km.

Chia sẻ quan điểm trợ giá cho xe buýt, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Nguyễn Xuân Thuỷ cũng cho rằng vận tải hành khách công cộng buộc phải có trợ giá, vấn đề làm sao trợ giá hiệu quả nhất.

Theo TS. Lương Hoài Nam, với TPHCM, hơn 10 triệu dân, hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt mỗi năm không phải nhiều so với các nước khác đang trợ giá cho giao thông công cộng. Nhưng giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng ở TPHCM lâu nay không phát triển được mà càng ngày càng teo tóp đi. Đây mới là bế tắc, bởi trợ giá nhưng không hiệu quả. "Nếu trợ giá 2.000 tỷ đồng, 5.000 tỷ đồng mà số lượng hành khách ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của bà con thì không nên tiếc ngân sách cho trợ giá", TS. Nam chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng khẳng định, dù trợ giá hay không, phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. Còn để đánh giá hiệu quả vận tải hành khách công cộng không chỉ căn cứ vào sản lượng và ngân sách trợ giá mà còn liên quan đến mạng lưới có phù hợp không, có kết nối được các loại hình giao thông công cộng và cuối cùng có đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của người dân không?

Ông Võ Khánh Hưng cũng cho biết, Thành phố đang nghiên cứu đề xuất mở làn riêng cho xe buýt từ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời sẽ tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn theo hướng thêm buýt nhỏ từ 17-22 chỗ, triển khai kết nối các tuyến buýt với Metro Số 1,… để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Băng Tâm

Top