Sân khấu TPHCM phục hồi, chuyển mình kéo khán giả

26/12/2022 5:49 PM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn hai năm khó khăn vì đại dịch, nhiều sân khấu ở TPHCM đang chuyển mình trong tình hình mới để kéo khán giả trở lại với sân khấu.

Sân khấu TPHCM phục hồi, chuyển mình kéo khán giả - Ảnh 1.

Những vở kịch của sân khấu IDECAF được đông đảo khán giả chờ đón - Ảnh: Kịch Idecaf

Không khó nhận ra, đại dịch COVID-19 không chỉ tàn phá mọi mặt đời sống mà nhiều tháng ròng rã sân khấu phải đóng cửa, tắt đèn do bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh phí để duy trì vận hành sân khấu, duy trì niềm đam mê kịch với hàng ngàn diễn viên trẻ không hề dễ dàng. Nhưng bằng tình yêu, tâm huyết, những người nghệ sĩ đã cố gắng chung sức để vực dậy, thắp sáng những ngọn đèn sân khấu.

Sân khấu phục hồi và chuyển mình

Những sân khấu đã có thương hiệu như Thế giới trẻ, IDECAF… vẫn giữ được sức hấp dẫn của mình bởi những buổi diễn cháy vé, người dân chờ đợi xếp hàng săn bằng được một tấm vé vào xem kịch. Chín suất diễn vở 12 bà mụ mở màn "Ấn tượng 25 năm kịch Idecaf" đã cháy vé khi chưa tới một tiếng mở bán chính là một ví dụ.

NSƯT Hạnh Thúy từng chạnh lòng khi giai đoạn đầu năm liên tục có những tín hiệu buồn cho sân khấu. Song tới thời điểm hiện tại, sự trở lại mạnh mẽ của sân khấu Hoàng Thái Thanh, sự ra đời của Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh… giúp chị rạng rỡ hơn khi nói về tình hình sân khấu một năm qua.

"Bằng cách này hay cách khác, sân khấu tìm mọi cách đến với khán giả. Bản thân tôi cảm giác trong những năm qua, nghệ sĩ đã thấm thía sự đi xuống, thiệt thòi của sân khấu, những nghệ sĩ tâm huyết đang tìm cách khắc phục đưa sân khấu đến với khán giả bằng mọi cách khác nhau", NSƯT Thanh Thúy nói.

Khán giả đến với sân khấu với nhiều lứa tuổi hơn, sân khấu 5B chính là một ví dụ. Sân khấu sáng đèn với nhiều suất diễn, nội dung những vở kịch bắt trend, cập nhật xu hướng, tạo nên những mảng miếng riêng kéo khán giả. Điều đó cho thấy nỗ lực của NSƯT Mỹ Uyên cùng đông đảo anh em nghệ sĩ trong suốt một năm qua. Dù hai năm trước đó, Sân khấu 5B cũng tan tác vì dịch bởi cứ ra vở mới thì bùng dịch, lặp đi lặp lại tới mấy lần, một thời gian dài nữ nghệ sĩ tính toán xoay xở đủ đường nhưng tiền chỉ ra, ít vào.   

Một bằng chứng rõ ràng nhất cho sự chuyển mình này phải kể đến việc NSND Hồng Vân kết hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM thành lập Sân khấu học đường. Sân khấu học đường là nơi biểu diễn kịch cho học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần đào tạo những diễn viên trẻ, lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Hai hướng hoạt động của sân khấu học đường là: Biểu diễn các vở kịch từng nổi tiếng của Sân khấu Phú Nhuận, ưu tiên cho kịch văn học và kịch lịch sử; mở các khóa đào tạo diễn viên trẻ với đội ngũ giảng viên là những nghệ sĩ uy tín như NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, NSND Việt Anh…

Sân khấu TPHCM phục hồi, chuyển mình kéo khán giả - Ảnh 2.

Đạo diễn Thanh Hiệp (trái) cùng NSƯT Lê Thiện chia sẻ cùng các diễn viên sân khấu trẻ tương lai - Ảnh: NVCC

Nhiều điểm sáng sân khấu trong năm 2022

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Sân khấu TPHCM chia sẻ, sân khấu năm 2022 thật sự đã phục hồi mạnh mẽ, bằng chứng là có nhiều vở diễn mới, tác phẩm đạt chất lượng cao ra đời và công chúng đến xem rất đông.

Sau 3 liên hoan sân khấu được xem là cú hích để sàn diễn cải lương sáng đèn, chủ trương của các ông bà bầu sân khấu xã hội hóa đến với các liên hoan là nhắm đến khán giả sẽ đón nhận vở diễn đoạt HCV, HCB bằng việc mua vé vào xem, không như các liên hoan trước đây các vở dự thi rồi về cất kho. "Đây là điểm sáng mà qua các vở diễn cải lương tham dự liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2022 tại Long An, Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 tại Hà Nội và Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm 2022 tại Hà Nội, đều lần lượt ra mắt khán giả như: "Vương quyền", "Vương đạo - Vua thánh triều Lê", "Truyền thuyết chàng Sa Mộc", "Câu hò đất mẹ", "Duyên kiếp"…", đạo diễn Thanh Hiệp trải lòng.

Điểm sáng này còn được chuẩn bị từ cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022, để qua đó có nhiều diễn viên đoạt HCV, HCB đã hóa thân thành công vào các tác phẩm tham dự ba liên hoan kể trên. Họ đã nỗ lực sáng tạo cách ca diễn mới, hòa quyện với âm nhạc và hình thức dàn dựng mới để tạo nên diện mạo cho sàn diễn cải lương năm 2022 như một bức tranh rất đẹp.

Ông nhấn mạnh ưu điểm của sân khấu phía nam, nhất là tại TPHCM, là khán giả mua vé vào xem, và kịch đã là món ăn đặc sản không thể thiếu dù trong đời sống hiện nay có muôn vàn thứ giải trí trên không gian mạng. Nhiều sân khấu mới ra đời trong năm 2022 như: Nhà hát Thanh Niên (Nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh Niên); Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh (Rạp Vườn Lài), Sân khấu Nón lá (Cung Văn hóa Lao Động), Sân khấu "Sắc màu thời gian" (Hội trường A Cung Văn hóa Lao động TPHCM)… chính là những minh chứng.

Tuy nhiên, đạo diễn Thanh Hiệp nhấn mạnh khó khăn vẫn còn nhiều. Đó là áp lực lớn đối với hoạt động biểu diễn hiện nay, đó là tiền thuê mặt bằng, cơ sở vật chất quá cao, giá vé vì thế không thể bình ổn, khiến người xem ít dần. Khó khăn muôn thưở vẫn là thiếu kịch bản hay, quá nhiều mảng miếng đã được dàn dựng trên các game show, truyền hình thực tế, do đó không thể có thêm hình thức dàn dựng nào mới mẻ, thu hút khán giả trẻ.

"Đây là một bài toán khó, nếu không đầu tư đúng chuẩn cho việc đào tạo thế hệ sáng tác trẻ thì sẽ khó tìm được nguồn kịch bản hay cho sàn diễn năm 2023", đạo diễn Thanh Hiệp bày tỏ.

Huy Phạm

Top