Sáu nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người ở TPHCM

25/12/2024 2:42 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 25/12, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 45 năm 2015 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thực hiện Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Sáu nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người ở TPHCM- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, kết quả bao trùm nhất sau 10 năm TPHCM thực hiện Nghị quyết 33, đó là nhận thức và sự quan tâm thật sự, sự đầu tư thực chất, có hiệu quả cho văn hóa trên địa bàn thành phố đã được các cấp ủy, hệ thống chính quyền, các cái lực lượng có liên quan thực hiện tốt hơn. Nhờ vậy, đóng góp của văn hóa trong sự phát triển của thành phố nhiều hơn, rõ nét hơn.

Thời gian tới, ông Phan Văn Mãi đề cập đến 6 nhóm nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp để cập nhật, bổ sung chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai Nghị quyết 33, Kết luận 76 gắn với cụ thể hóa các cái hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và những chuẩn mực của con người Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh này – những điểm chung, điểm riêng, đặc điểm riêng, điểm nổi bật, nổi trội của văn hóa và con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết sẽ chỉ đạo để xây dựng một kế hoạch của UBND Thành phố triển khai các cái nội dung nói trên, đồng thời tiến hành xây dựng văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, ở từng cấp, trong mỗi gia đình và trong mỗi người dân thành phố. Trong tháng 1 tới, cố gắng hoàn thành cập nhật chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, hoàn thành kế hoạch của UBND Thành phố và kế hoạch triển khai ở các cấp ủy, các đơn vị.

Thứ ba, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Theo Chủ tịch UBND Thành phố, nếu tập trung làm mạnh mẽ sẽ tạo ra được sự chuyển biến và nét rất riêng của thành phố. Môi trường văn hóa này phải được rà soát lại, phải được làm bài bản ở từng cơ quan, đơn vị. Môi trường văn hóa này ở trong mỗi gia đình và ngành giáo dục phải hết sức chú ý xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi trường học, trong học đường, trong ngành giáo dục.

Sáu nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người ở TPHCM- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thứ tư, xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế. Theo ông Mãi, văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế không phải chỉ là những biểu hiện thông thường trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế mà là quyết tâm chính trị, là bản lĩnh chính trị, đó là một khát khao để chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng đất nước hùng cường. Đó là tinh thần chúng ta đi tiên phong, đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên dân tộc vươn phát triển.

Thứ năm, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa. Trước hết là bảo tồn, phát huy di tích, di sản văn hóa dân tộc; tiếp theo là hoạt động văn hóa nghệ thuật; sau đó là hoạt động văn hóa trên không gian mạng; hoạt động giao lưu quốc tế.

Thứ sáu, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất. Thành phố phải có một cái kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực, kết nối nguồn nhân lực cũng có chính sách để hỗ trợ đào tạo cho lực lượng rộng hơn và có kết nối.

"Thời gian qua cũng có ý kiến rằng trong một số lĩnh vực thì nhân tài từ Thành phố Hồ Chí Minh tủa đi các địa phương khác, thậm chí đi ra hải ngoại hoạt động. Đây là điều chúng ta phải trăn trở và phải khắc phục", ông Mãi nói.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 45, công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa tại TPHCM đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao.

Các phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực; nhiều giải pháp, mô hình văn hóa sáng tạo, có ý nghĩa nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc được nhân rộng. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt; góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, sinh động trong đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố.

Vũ Phong

Top