Tín hiệu tích cực của thị trường du lịch sau mở cửa

30/05/2022 3:53 PM

(Chinhphu.vn) - Theo thông tin du lịch tháng 5 của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, thị trường du lịch nội địa và quốc tế có nhiều tín hiệu tích cực.

Tín hiệu tích cực của thị trường du lịch sau mở cửa - Ảnh 1.

Đoàn khách du lịch quốc tế gồm 130 thành viên có quốc tịch Mỹ, phần lớn là doanh nhân, thương gia của các doanh nghiệp, hiệp hội Mỹ đến tham quan TPHCM đầu tháng 4, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam cho phép mở cửa thị trường du lịch quốc tế - Ảnh: VGP

Trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thông tin về thị trường khách nội địa thì đứng đầu là Thanh Hóa với 898.000 lượt du khách, trong đó khách lưu trú là 577.400 lượt, tăng 85,6% so với năm 2021. Vị trí thứ hai và ba thuộc về Nghệ An và Hà Nội với số lượt khách tương ứng là 712.000 và 550.000.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: 4 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 92.400 lượt; riêng tháng 4 đạt 70.000 lượt, gấp 4,5 lần so với tháng 3. Khách Hàn Quốc và Mỹ đến Việt Nam nhiều nhất, lần lượt là 28.600 lượt và 23.100 lượt. 

Theo dữ liệu từ Google mới đây, Việt Nam nằm trong Top được tìm kiếm nhiều các điểm đến lưu trú bằng đường hàng không. Được tìm kiếm nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Quy Nhơn,…

Số lượng khách Việt tìm kiếm điểm đến quốc tế bằng đường hàng không tăng mạnh. Đầu tháng 4 tăng 250%, Giữa tháng 4 tăng 384% và cuối tháng 4 tăng 525% so với cùng kỳ. Những  điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Singapore, Thái Lan, Mỹ, Australia, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada…

Để du lịch phát triển bền vững

Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết từ cấp Nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp đã đươc tăng cường.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao của Việt Nam tại Mỹ (từ 11 đến 17/5), Vietnam Airlines cùng Saigontourist Group và Thiên Minh Group đã ký kết các thỏa thuận với doanh nghiệp Mỹ. Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist xác định Mỹ là thị trường trọng điểm và đã xây dựng chương trình "Tầm nhìn - Điểm đến Mỹ giai đoạn 2022-2025". Theo đó, Công ty đã ký biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác đối tác toàn diện với Công ty Delta Tour & Travel Servies và Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines đã giới thiệu đường bay thẳng giữa hai nước. Công bố kế hoạch tăng tần suất bay cũng như mở thêm đường bay chở hàng Việt - Mỹ. Hiện tại, hãng đang khai thác 4 chuyến bay mỗi tuần giữa San Francisco và TPHCM. Dự kiến, sẽ bay hằng ngày đến Mỹ vào năm 2023 và đang nghiên cứu mở đường bay chuyên chở hàng hóa giữa TPHCM và Los Angeles.

Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết thoả thuận về chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2026 với nội dung phối hợp nghiên cứu, hình thành các sản phẩm và điểm tuyến du lịch.

Chú trọng nguồn nhân lực và chất lượng

Nhân sự ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau thời gian dài dịch bệnh. Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai cho rằng, du khách đến đông trong dịp lễ vừa rồi là tín hiệu vui. Nhưng thực tế cũng cho thấy ngành đang thiếu nhân sự giỏi và thạo nghề bởi những người phải bỏ nghề vị dịch chưa quay trở lại.

Hiện nay, dù nhiều điểm du lịch đông khách hơn, nhưng chất lượng dịch vụ một số nơi chưa tương xứng. Bắt đầu tái diễn hiện tượng chặt chém, chèo kéo. Các ga hàng không nội địa (Tân Sơn Nhất, Phú Quốc…) nhiều khi quá tải. Khách than phiền tình trạng huỷ chuyến, chậm chuyến, thay đổi cửa ra máy bay gấp… ngày càng nhiều. Dịch vụ tại sân bay, taxi sân bay chưa tốt… Vấn đề này cần có sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương để chấn chỉnh. Nhất là muốn đẩy mạnh thị trường du khách nước ngoài.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch, mang lại cơ hội cho ngành phát triển bền vững. Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết, Sở đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh với hàng loạt nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý.

6 yếu tố tác động làm du lịch tăng trưởng trở lại

- Việt Nam đã triển khai trên diện rộng tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân cả nước, cả trẻ em và người lớn. Tỉ lệ người mắc COVID và số tử vong do COVID giảm đáng kể. Du lịch trong điều kiện mới an toàn hơn, người dân mạnh dạn "xách vali" lên và đi sau hơn hai năm giãn cách.

- SEA Game 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam trong tháng 5/2022 là một cú hích cho sự phục hồi, phát triển của du lịch.

- Chính sách miễn thị thực được Việt Nam thi hành trở lại và còn đề xuất mở rộng hơn với nhiều quốc gia tiềm năng: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... cũng tạo điều kiện cho du khách nhập cảnh.

- Các chính sách phòng chống COVID (hộ chiếu vaccine, xét nghiệm, cách li…) được cải thiện đáng kể, cập nhật linh hoạt theo tình hình thực tế. Nhất là từ 15/5/2022 đã dỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu có giấy xét nghiệm COVID âm tính khi nhập cảnh… đã tạo hành lang thông thoáng hơn cho du khách trong khi dịch bệnh vẫn còn bùng phát ở một số quốc gia.

- Nhiều hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức: Tổng cục Du lịch xây dựng chuyên trang Du lịch Việt Nam chào đón SEA Games 31. Ngày hội Du lịch được tổ chức ở TPHCM… Nhiều tour, tuyến mới và các sản phẩm như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe được chào hàng…

- Tháng 4, 5 có nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Các địa phương tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc: Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022: "Hà Nội - Đến để yêu" có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp. Đón hè, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa công bố chương trình "Nha Trang - Chào Hè 2022". Đà Lạt công bố lễ hội Hoa kéo dài suốt 3 tháng cuối năm 2022…

Kim Ngân

Top