TPHCM đẩy nhanh triển khai Trung tâm tài chính quốc tế, đề xuất đặt tại Thủ Thiêm và Quận 1

13/03/2025 2:51 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM đề xuất bố trí khu vực Trung tâm tài chính quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và một phần trung tâm Quận 1.

TPHCM đẩy nhanh triển khai Trung tâm tài chính quốc tế, đề xuất đặt tại Thủ Thiêm và Quận 1- Ảnh 1.

UBND TPHCM đề xuất bố trí khu vực Trung tâm tài chính quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Thực hiện Thông báo số 47/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết số 259/2024 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số của Bộ Chính trị, TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM (Ban Chỉ đạo Thành phố), kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND Thành phố là Phó Ban Thường trực. Ngoài ra, do có sự thay đổi về nhân sự, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo bổ sung Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị tham gia và giữ nhiệm vụ là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố.

Ngày 4/3/2025, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung.

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đã chủ trì, phối hợp cùnng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố tổ chức 2 hội thảo để tham vấn các chuyên gia về: Chính sách thu hút đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế (tổ chức vào ngày 13/1/2025) và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dung trong lĩnh vực tài chính (fintech) hướng đến Trung tâm tài chính (tổ chức vào ngày 17/1/2025).

Đề xuất đặt Trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm và trung tâm Quận 1

UBND TPHCM đề xuất bố trí khu vực Trung tâm tài chính quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và một phần trung tâm Quận 1. Cụ thể, tại Quận 1, Trung tâm tài chính quốc tế được bố trí tại một phần Khu lõi trung tâm thương mại – tài chính (Phân khu 1) và một phần diện diện tích Quận 1 nằm trong Khu lân cận lõi trung tâm (Phân khu 5) của Khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930 ha).

Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bố trí tại 11 lô đất (ký hiệu từ lô 1-1 đến 1-11) thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 9,2 ha, bao gồm 478.060 m2 sàn xây dựng thương mại, dịch vụ. 11 lô đất này được xác định là khu lõi thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế trong giai đoạn đầu phần lớn khu lõi trung tâm, Khu chức năng số 1, Khu chức năng số 2a, Khu chức năng số 2b và Khu chức năng số 2c của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về chuẩn bị nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đề xuất được thực hiện Đề án "Phát triển nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh" (Đề án) với nguồn kinh phí thực hiện khoảng 2,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nghiên cứu khoa học. Dự kiến, Đề án hoàn thành vào tháng 6 năm 2025.

Theo UBND Thành phố, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của Trung tâm tài chính quốc tế. Quá trình đào tạo, thu hút, tuyển dụng và phát triển nhân lực tài chính đạt chuẩn quốc tế là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo khả năng cạnh tranh của Trung tâm này.

TPHCM đẩy nhanh triển khai Trung tâm tài chính quốc tế, đề xuất đặt tại Thủ Thiêm và Quận 1- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM - Ảnh: TTXVN

Chuẩn bị ngay nguồn lực cho Trung tâm tài chính quốc tế

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM, đơn vị đồng phối hợp triển khai các nội dung cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM cho biết, việc triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế ở TPHCM được giao cho các cơ quan Trung ương chủ trì. Hiện các có quan Trung ương đang làm việc rất khẩn trương và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới. Trên cơ sở chuẩn bị tích cực như vậy thì Trung tâm này sẽ sớm đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng cần phải chuẩn bị ngay nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm nguồn nhân lực cho 3 bộ phận là cơ quan chủ trì, cơ quan tài phán và cơ quan giám sát. Đặc biệt, cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho Trung tâm này từ các trung tâm đào tạo hoặc có cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia tài chính từ nước ngoài về.

Cũng theo ông Hòa, khi Quốc hội thông qua nghị quyết về thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành Trung ương hình thành ngay 3 cơ quan: Cơ quan điều hành, cơ quan giám sát và cơ quan tài phán. Vì vậy, ngay từ lúc này, cần khẩn trương rà soát để xem xét quy định nào áp dụng riêng cho hoạt động của Trung tâm này và cho những doanh nghiệp đi vào hoạt động trong Trung tâm. Quy định đó cần có phân công cụ thể cho cơ quan chủ trì và đặc biệt là phải đặt ra thời gian hoàn thành, ví dụ như NHNN cần chuẩn bị những quy đinh gì, cơ quan thuế cần chuẩn bị chính sách gì…

Giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn

Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh, với việc ra đời của Trung tâm tài chính quốc tế, sẽ tạo ra "sân chơi" cho 3 trụ cột.

Thứ nhất là thị trường ngân hàng (thị trường vốn, khả năng huy động vốn), giúp doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn. Hiện các trái phiếu phát hành chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp lớn, còn những doanh nghiệp khác thì gặp khó khăn về huy động vốn. "Vốn cho đầu từ sản xuất kinh doanh ở nước ta thì tới 70-80% nằm ở ngân hàng, trong khi các nước khác thì chỉ 30%, còn 70% là doanh nghiệp huy động qua thị trường vốn. Vì vậy, với trung tâm tài chính quốc tế, chúng ta giải quyết được vấn đề này", ông Hòa nói.

Trụ cột thứ 2 là thị trường liên ngân hàng. Từ đó, chúng ta có thể giải quyết áp lực vốn cho ngân hàng.

Thứ 3 là sàn giao dịch hàng hóa. Theo ông Hòa, chúng ta có những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu nhưng những giao dịch đó chưa được lên sàn, chưa được minh bạch và đặc biệt là chưa có cơ hội để mua trước trả sau, mua sau trả trước. Với sàn giao dịch hàng hóa, chúng ta sẽ có những giao dịch cho vụ mùa tới và như vậy, dòng vốn sẽ chảy về và người nông dân có được ứng vốn, tạo nhiều thuận lợi.

Trước đó, tại Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM hôm 4/1, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có các 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Thủ tướng đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực, giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới. Đây là việc mới, việc khó nhưng khó mấy cũng phải làm.

Anh Thơ

Top