22/28 bệnh viện hạng I đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023

16/11/2022 11:29 AM

(Chinhphu.vn) - Hầu hết các bệnh viện ở TPHCM đều chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tăng thêm các tiện ích cho người bệnh. 22/28 bệnh viện hạng I đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023.

22/28 bệnh viện hạng I đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 - Ảnh 1.

Bác sĩ xem bệnh án điện tử để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: medinet.hochiminhcity.gov.vn

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”, tổ chức vào ngày 15/11, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng cho biết, những năm qua, ngành y tế Thành phố đã triển khai ứng dụng CNTT trong nhiều hoạt động, hướng đến y tế thông minh. 

Trong đó, Sở Y tế đã triển khai xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân với mục tiêu tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Hiện, Sở đã tạo lập được trên 5.000 hồ sơ. Dự kiến, đến năm 2025, mỗi người dân TPHCM đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đối với các bệnh viện, đến nay có 22/25 bệnh viện đã trang bị Phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), 53/55 bệnh viện triển khai Hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS), 36/55 bệnh viện triển khai Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS), 11/53 bệnh viện có Hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS), 41/55 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử.

Hiện đã có 22/28 bệnh viện hạng I đảm bảo triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. 

Cùng với đó, các bệnh viện đều chú trọng ứng dụng CNTT, tăng thêm các tiện ích cho người bệnh, như: Ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến…

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý sức khỏe người dân

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hạ tầng CNTT, phần mềm ứng dụng ở các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức. Thời gian thực hiện các dự án đầu tư CNTT còn kéo dài do thủ tục đầu tư phức tạp, do đó đầu tư vào hạ tầng CNTT là không dễ dàng, không đồng bộ ở các cơ sở y tế. Nguồn nhân lực chuyên trách CNTT trong môi trường y tế hiện nay còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, để thực hiện tốt Đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030" cần đầu tư tốt hạ tầng CNTT, khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực chuyên trách CNTT hiện nay, đồng thời cần có một chuẩn chung để cơ sở y tế có thể nhập dữ liệu vào hệ thống chung.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình nhận định, hiện nay khối lượng các đơn vị ngành y tế đang quản lý rất lớn, trong đó có 129 bệnh viện, 22 trung tâm y tế y tế, 310 trạm y tế phường xã, thị trấn, 6.967 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân... 

"Làm sao tất cả cơ sở y tế cùng hưởng ứng thực hiện đề án y tế thông minh. Muốn vậy, phải tổng hợp đánh giá thực chất nguồn lực, nguồn lực của ngân sách có thể hỗ trợ, nguồn lực của các cơ sở y tế, nguồn lực dự kiến huy động từ hợp tác công-tư để có lộ trình rõ ràng", ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh, đồng thời đề nghị, thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý sức khỏe người dân, chú trọng hơn về bệnh án điện tử để đảm bảo được lộ trình. 

Tất cả đều phải có bệnh án điện tử, không chỉ phục vụ khám chữa bệnh, mà còn phục vụ theo dõi sức khỏe và các tiện ích chung phục vụ người dân. Đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Sở Y tế nghiên cứu có thể thí điểm liên thông dữ liệu ở một vài bệnh viện trước, sau đó triển khai đồng bộ.

Chi Mai

Top