Đợi chờ để thấy ngày Thành phố hồi phục

26/02/2022 9:53 AM

(Chinhphu.vn) - Một đám cưới cổ tích vừa diễn ra tại TPHCM, nơi mà 20 cặp đôi thuộc đội ngũ y tế từng hoãn cưới do dịch COVID-19 được chúc phúc, tri ân. Ở đó, niềm vui của từng tổ ấm nhỏ kết nối thành hạnh phúc lớn lao. Hạnh phúc đơm hoa từ sự đợi chờ, kết trái từ những yêu thương, son sắt và cả đức hy sinh.

Đợi ngày thành phố hồi sinh - Ảnh 1.

Ngay cả khi đứng tại lễ cưới của mình, nhiều bác sĩ, điều dưỡng vẫn cứ ngỡ là mơ. Họ đợi chờ ngày này để thấy Thành phố dần bình phục sau cơn bạo bệnh - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Tưởng không thể vượt qua

Ngày tổ chức đám cưới, con đầu lòng của bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung và bác sĩ Hoàng Thị Lâm (Bệnh viện Quân y 175) tròn 16 ngày tuổi. Nhớ lại chặng đường hai vợ chồng cùng trải qua với Thành phố Hồ Chí Minh khi dịch bùng phát dữ dội, bàn tay anh Chung siết chặt tay vợ, mắt cứ nhìn chị, rưng rưng. Giữa năm 2021, kế hoạch cưới chuẩn bị đâu vào đó, nhưng thay vì cùng nhau bước lên lễ đường, họ xông pha chống dịch. Điều họ kịp làm là đăng ký kết hôn để thành vợ thành chồng, để thấy lòng ấm hơn trong chuỗi ngày chất chồng lo âu kế tiếp. Lúc đó, cặp vợ chồng trẻ cũng đâu hay dịch sẽ kéo dài và căng thẳng đến vậy.

Khi bác sĩ Chung nhận nhiệm vụ vào Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 thì hay tin vợ mang thai. Buồn vui xen lẫn. Anh vui khi tình yêu đơm hoa kết trái nhưng lại lo vì không có ai thay mình chăm sóc, vỗ về vợ khi ốm nghén, mỏi mệt. Rồi dịch bệnh mỗi lúc một căng thẳng hơn, số ca trở nặng tăng nhanh, có ngày anh cùng đồng nghiệp phải làm việc liên tục, chẳng kịp ngả lưng. Nói là công tác chung bệnh viện nhưng từ khi anh Chung vào khu điều trị đặc biệt, hai vợ chồng không được gặp mặt nhau. Nhớ nhung, lo lắng chất đầy tháng ngày chống dịch. Hễ có chút thời gian nghỉ, anh vội vàng gọi điện hỏi thăm "Em có ổn không? Thấy trong người thế nào". Nhìn gương mặt vợ qua màn hình điện thoại, anh thấy thương vô ngần.

Hồi còn độc thân, đọc báo thấy viết các cặp đôi nổi tiếng thường chia tay vì không có thời gian dành cho nhau, chị Hà Thị Kim Phúc (điều dưỡng Bệnh viện Quân y 175) hay cười, nghĩ do người ta hết yêu nên mới nói vậy. Nhưng rồi khi dịch bệnh bủa vây TPHCM, khi vợ chồng sống cùng khu mà chẳng thể gặp mặt, nắm lấy bàn tay, hỏi han vài câu, chị mới biết sự chờ đợi mỏi mòn đến mức nào. "Lúc đó mới biết thời gian dành cho nhau vô cùng quý giá. Đúng ngày dự cưới, chồng tôi vào Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện làm nhiệm vụ, tôi tham gia hỗ trợ sàng lọc bệnh nhân COVID-19, làm hồ sơ bệnh tại khu vực cấp cứu. Rảnh tay một chút, tôi nhắn tin, gọi điện hỏi thăm chồng thì bao giờ cũng nghe "Anh đang bận". Chưa khi nào chúng tôi cách xa nhau như vậy. Nhưng nghĩ lại vợ chồng tôi vẫn còn may, có nhiều đồng nghiệp còn xa hơn, đi tỉnh này tỉnh kia. Dịch bệnh mà, nhân viên y tế phải nỗ lực hết sức chứ", chị Phúc nhớ lại.

Điều dưỡng Phúc cho hay, thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, chị thấy sợ. Chẳng phải sợ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người. Sợ đau thương cứ vậy kéo dài. Nhưng trong lúc tưởng chừng không thể vượt qua ấy, hai vợ chồng lại động viên nhau bằng những tin nhắn vội. Nghĩ đến chồng cực khổ, rủi ro mà vẫn lạc quan, tin vào ngày Thành phố hồi phục, chị Phúc quyết tâm cùng chờ đợi. Và rồi qua đỉnh dịch, TPHCM bước vào những ngày bình thường mới, mọi thứ dần hồi sinh. Ngày được trở về nhà cùng nhau, nhìn gương mặt thân thương của chồng, chị Phúc thấy mình may vì vẫn còn gia đình để hỏi han, chăm sóc nhau mỗi ngày.

Đưa bàn tay lên nhìn chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út, chị Phúc mỉm cười, mặt rạng ngời hạnh phúc. Mặt trong chiếc nhẫn chị vẫn quyết định khắc ngày 18/7/2021, ngày dự cưới cũng là thời điểm vợ chồng chị bắt đầu hành trình chống dịch cùng Thành phố. Mấy tháng yêu nhau mùa dịch được chị Phúc cất vào ngăn ký ức đẹp của cuộc đời. Chị Phúc chia sẻ: "Khi dịch căng thẳng nhất, tôi bị bệnh. Lúc đó nghĩ tới những cặp đôi yêu nhau rồi cách xa do người này, người kia phải đi thực hiện nhiệm vụ dài ngày ở các tỉnh, các quốc gia khác mới thấy rõ sự hy sinh của họ mà thêm quý mến, trân trọng tình cảm anh trao đến mình. Giờ Thành phố đã ổn định dần, mừng lắm. Trở thành vợ chồng trong thời điểm này chúng tôi thấy vô cùng ý nghĩa".

Đợi ngày thành phố hồi sinh - Ảnh 2.

Vợ chồng anh An, chị Thu cùng con trai trong ngày trọng đại của đời mình - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Vì yêu mà đợi

Yêu nhau gần ba năm, tết Dương lịch năm 2021, chị Nguyễn Thị Châu (điều dưỡng khoa Hồi sức, Bệnh viện Quân y 175) theo chồng về quê tận Hà Tĩnh ra mắt gia đình hai bên. Cả hai dự định cưới vào tháng 6 cùng năm trong niềm mong mỏi của mẹ cha, họ hàng thân thuộc. Nhưng rồi, dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM lần nữa. Khi đó, chị Châu cũng lo nhưng cứ động viên chồng "Chắc một, hai tháng sẽ ổn như mấy đợt trước". Cuối tháng 5, thấy tình hình không ổn, anh chị quyết định hoãn cưới.

Dịch diễn biến phức tạp, chị Châu vào bệnh viện ở tập trung theo yêu cầu, hai vợ chồng bắt đầu chuỗi ngày yêu xa, trông ngóng nhau từ đó. Lúc TPHCM chưa giãn cách, khi nhớ quá, chờ chị Châu xuống ca, anh Đoàn Ngọc Hiển (giáo viên Trường THCS-THPT Hoa Sen) có thể tranh thủ ghé sang thăm vợ, gửi bánh trái, thức ăn qua hàng rào bệnh viện. Họ cứ đứng vậy trò chuyện, nhìn nhau bịn rịn. Được mấy ngày, Thành phố bắt đầu áp dụng quy định giãn cách, anh chỉ biết ngắm vợ qua màn hình điện thoại. Từ tháng 8, chị Châu nhận nhiệm vụ vào Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện, các cuộc gọi mỗi lúc một thưa dần, thời gian trò chuyện cũng ngắn đi vì lúc đó, nhân viên y tế phải tăng ca, áp lực vô cùng lớn.

Bệnh nhân mỗi lúc một đông, bệnh trở nặng vì thời điểm đó rất nhiều người chưa tiêm vaccine. Lúc đó, chị chỉ cầu mong mình luôn khỏe mạnh để chăm sóc được càng nhiều người càng tốt. Chị chờ ngày người bệnh bình phục, trở về quây quần với gia đình. Thành phố ngưng lệnh giãn cách, người dân bắt đầu được ra đường, chị Châu cùng các đồng nghiệp vẫn ở lại bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân. "Thỉnh thoảng anh lại đến, hai vợ chồng đứng nói chuyện với nhau qua hàng rào, vui lắm. Tôi không bao giờ quên ngày chồng tặng quà 20/10 sớm cho mình, anh đứng bên ngoài, với qua hàng rào, đeo đồng hồ cho tôi. Cảm xúc khó tả lắm. Anh cười, khẽ nói "Mong em sớm được về". Xa nhau lâu cũng buồn, hoãn cưới cũng lo nhưng cùng nhau đi qua những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh chúng tôi thêm gắn bó, yêu thương và thấu hiểu nhau hơn", chị Châu chia sẻ.

Bao lần hoãn cưới vì dịch, ngày anh Trần Văn An cùng vợ là chị Bùi Thị Hòa Thu (đều là điều dưỡng Bệnh viện Quân y 175) nên đôi cũng là lúc con trai đầu lòng của họ tròn 13 tháng tuổi. Tháng 10/2018, bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam chính thức được thiết lập tại Cộng hòa Nam Sudan. Anh An, chị Thu là những nhân viên y tế đầu tiên được bệnh viện cử đi tham gia nhiệm vụ tại đây. Họ bén duyên trong chuỗi ngày làm nhiệm vụ nơi đất khách. Nếu không có dịch, họ đã thành vợ chồng từ đầu năm 2021. Tháng 8/2021, điều dưỡng An vào Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 chống dịch. Chẳng lâu sau, anh trở thành F0. "Lúc đó tôi lo lắm nhưng hai vợ chồng ráng động viên nhau để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giờ nhớ lại quãng thời gian đã qua, chúng tôi thêm quý những phút giây hiện tại để yêu thương nhau nhiều hơn", chị Thu cho hay.

Dịch bệnh bùng phát và kéo dài, nhiều cặp đôi công tác trong lĩnh vực y tế chấp nhận hoãn cưới, sống xa gia đình với mong muốn bảo vệ sức khỏe của người dân, giành giật sự sống cho những trường hợp nguy cấp. Họ tạm gác niềm vui riêng vì biết Thành phố, đất nước và nhân dân cần mình. Ngày Thành phố dần hồi phục, họ chung đôi trong niềm hân hoan của phố phường và bao lời chúc phúc, tri ân mọi người dành tặng. Hạnh phúc được nhân lên khi họ sum vầy sau chặng đường chông gai và vẫn siết chặt tay nhau bước tiếp hành trình dựng xây tổ ấm./.

Khởi Minh

Top