Dư âm 'Chuyến tàu huyền thoại' trên sông Sài Gòn

05/06/2024 2:33 PM

(Chinhphu.vn) - Đã hơn 3 ngày sau đêm khai mạc Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 nhưng dư âm của chương trình nghệ thuật "Chuyến tàu huyền thoại" vẫn còn lắng đọng lại trong lòng người dân và du khách.

Dư âm 'Chuyến tàu huyền thoại' trên sông Sài Gòn- Ảnh 1.

Phân đoạn tái hiện hình ảnh các chiến sĩ đặc công rừng Sác không hề nao núng trước "mưa bom, bão đạn" của kẻ địch, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, vượt qua bao thử thách và hiểm nguy - Ảnh: VGP/Nguyên Hồng

Toàn bộ Chương trình nghệ thuật "Chuyến tàu huyền thoại" là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn, những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc.

Đó cũng chính là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, là những trận đánh tàu vang dội trên sông, những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu… Có thể dễ dàng hình dung, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" giống như một bộ phim về lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thắp lên ngọn lửa tình yêu và tự hào về Thành phố, về đất nước, quảng bá vẻ đẹp Thành phố.

Một trong 5 chương góp phần thành công, tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng người dân và du khách của Chương trình nghệ thuật này là sự tái hiện lịch sử những trận đánh của các chiến sĩ rừng Sác trong chương "Dậy sóng". Đó không chỉ là câu chuyện của những chuyến tàu mà còn là hành trình của cả dân tộc, đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại.

Dư âm 'Chuyến tàu huyền thoại' trên sông Sài Gòn- Ảnh 2.

Phân đoạn tái hiện hình ảnh chiến sĩ đặc công rừng Rác bị thương và được chăm sóc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đoàn 10 Đặc công rừng Sác: Kẻ thù đến là đánh, kẻ thù rút là phục

Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, dòng sông đã trở thành chứng nhân lịch sử cho biết bao trận đánh oai hùng. Trong đó, sông Lòng Tàu chính là con đường thủy huyết mạch và là chiến khu đặc biệt ngay cửa ngõ Sài Gòn - một dòng chảy lịch sử hào hùng ẩn vào phù sa, ôm vào lòng những chiến công vang dội của những chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Với lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng", các chiến sĩ đặc công rừng Sác không hề nao núng trước "mưa bom, bão đạn" của kẻ địch, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, vượt qua bao thử thách và hiểm nguy.

Trải qua 9 năm (từ năm 1966 -1975), với lối đánh "xuất quỷ, nhập thần," bất ngờ và táo bạo, đoàn 10 đặc công rừng Sác đã thực hiện hơn 600 trận đánh, hoàn thành mục tiêu khống chế toàn bộ hệ thống vận tải thủy tiếp tế cho Sài Gòn và phía Nam, đồng thời lập những chiến công vang dội ngay ở nội đô. Hơn 900 người đã hy sinh, đến nay còn hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy...

Những người làm Chương trình Nghệ thuật "Chuyến tàu huyền thoại" đã công phu tìm gặp các nhân chứng lịch sử, là những cựu đặc công rừng Sác năm xưa (Nguyễn Văn Hà, Trần Ngọc Soạn, Huỳnh Thị Thanh Nhi, Phạm Duy Phương, Nguyễn Anh, Trần Phạm Thị Nhung, Đào Xuân Hạ, Nguyễn Văn Cộng và Võ Duy Tấn) để xin cố vấn về tư liệu, hình ảnh, nhằm làm sống lại những câu chuyện về tinh thần kiên cường và anh dũng của các chiến sĩ.

Dư âm 'Chuyến tàu huyền thoại' trên sông Sài Gòn- Ảnh 3.

Phân đoạn tái hiện hình ảnh các chiến sĩ đặc công rừng Sác chiến đấu với cá sấu - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thưởng thức lại những màn biểu diễn được tái hiện bằng nghệ thuật âm thanh, ánh sáng, âm nhạc…, các cựu chiến công rừng Sác đã không khỏi nghẹn ngào xúc động, xen lẫn niềm tự hào về những chiến công đã đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước. Chương trình đã khơi gợi tinh thần yêu nước cho các thế hệ về những chiến công trên dòng sông với những chuyến tàu huyền thoại.

Không giấu được cảm xúc, bác Trần Ngọc Soạn - Cựu chiến binh đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bày tỏ: "Chương trình vô cùng cảm xúc, tái hiện chân thực hình ảnh của đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Tôi thật sự bất ngờ vì những gì mà Ban Tổ chức đã làm được, giúp tôi và đồng đội như sống lại những giây phút chiến đấu ngày xưa". Bác Trần Ngọc Soạn cũng đã thay mặt các bác cựu chiến binh đặc công rừng Sác gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Tổ chức, các anh chị đạo diễn đã thực hiện chương trình.

Với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại", Dòng sông kể chuyện mùa 2 đã mang đến những cảm xúc bùng nổ và hoàn toàn mới mẻ với một vở đại nhạc kịch trên sông lần đầu tiên được tổ chức. Các màn trình diễn nghệ thuật và âm nhạc đã đưa du khách trở về với những câu chuyện lịch sử của dòng sông Sài Gòn, góp khẳng định thương hiệu TPHCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, thành phố của những lễ hội.

Vũ Phong

Top