Kiên định mục tiêu tăng trưởng - Bài 3: Nghĩ lớn, hành động khác biệt và đầu tư chiều sâu cho đổi mới

27/04/2025 8:24 AM

(Chinhphu.vn) - Một Thành phố Hồ Chí Minh dám nghĩ lớn, dám hành động khác biệt và đầu tư chiều sâu cho đổi mới mới có thể giữ vững vị thế đầu tàu, không chỉ cho khu vực phía Nam mà cho cả nền kinh tế Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế giai đoạn mới.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng - Bài 3: Nghĩ lớn, hành động khác biệt và đầu tư chiều sâu cho đổi mới- Ảnh 1.

Việc thành lập Trung tâm Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) thể hiện vai trò tiên phong của TPHCM trong công nghệ và đổi mới sáng tạo, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh toàn cầu hóa bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu sắc, với xu hướng chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại mạnh mẽ, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ - một đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam, TPHCM đang cho thấy tinh thần bản lĩnh và quyết liệt khi vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 8,5% cho năm 2025. Không những thế, Thành phố còn thể hiện khát vọng vươn cao hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số nếu thời cơ cho phép.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng ấy trong một thế giới nhiều biến động, TPHCM cần hơn bao giờ hết một chiến lược phát triển toàn diện, có chiều sâu và thích ứng cao độ.

Hai động lực giữ nhịp tăng trưởng trong ngắn hạn

Trước tiên, trong ngắn hạn, khi xuất khẩu đối mặt với nguy cơ suy giảm, TPHCM cần tập trung vào hai "con ngựa" còn lại trong "cỗ xe tam mã" tăng trưởng là tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Đây là hai trụ cột có khả năng kích hoạt nhanh và đóng vai trò "lực đỡ" giữ nhịp tăng trưởng chung trong bối cảnh xuất khẩu giảm tốc.

Về tiêu dùng nội địa, Thành phố cần sớm triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, từ các gói tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình, đến chiến dịch thúc đẩy "Người Việt dùng hàng Việt", kích thích chi tiêu thông qua giảm thuế VAT có chọn lọc, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, logistics trong việc mở rộng mạng lưới phân phối.

Bên cạnh đó, thị trường du lịch nội địa - với sức tiêu thụ cao - cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ trở lại, qua các chiến dịch "Du lịch TPHCM - Chạm cảm xúc" gắn liền với mua sắm, giải trí và ẩm thực.

Về đầu tư công, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, metro và logistics xanh.

Trong năm 2025, nếu giải ngân được trên 95% kế hoạch đầu tư công sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn, không chỉ giúp tăng trưởng GRDP theo kênh đầu tư, mà còn kích thích các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ... Đồng thời, đầu tư công hiệu quả còn tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân, từ đó lôi kéo thêm dòng vốn xã hội hóa vào các lĩnh vực ưu tiên.

Gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu

Một trong những giải pháp mang tính sống còn là việc TPHCM cần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ mô hình gia công đơn thuần lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Không thể tiếp tục dựa vào mô hình lắp ráp, xuất thô - vốn dễ bị tổn thương trước các hàng rào thuế quan - Thành phố cần đẩy mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao như bán dẫn, dược phẩm, công nghệ sinh học, và phần mềm tích hợp hệ thống.

Đồng thời, việc gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu cũng cần được đặt ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển. Đây không chỉ là cơ sở giúp Việt Nam có "thẻ bài" thương lượng trong các cuộc đàm phán thuế với Mỹ, mà còn là bước đi căn cơ để tạo ra giá trị thặng dư cao hơn, giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, và từng bước làm chủ các khâu sản xuất chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với chuyển dịch sản xuất, TPHCM cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì quá phụ thuộc vào một số thị trường.

Việc mở rộng thị trường sang các khu vực đang lên như châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông và phát triển sâu hơn các FTA trong khu vực ASEAN, EU và CPTPP sẽ tạo ra "vùng đệm" chiến lược, giúp doanh nghiệp Thành phố đứng vững trong những giai đoạn điều chỉnh chính sách bất ngờ từ các cường quốc.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng - Bài 3: Nghĩ lớn, hành động khác biệt và đầu tư chiều sâu cho đổi mới- Ảnh 2.

Khu Công nghệ cao TPHCM được định hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá - Ảnh: Intel Products Việt Nam

Tìm kiếm động lực phát triển mới theo chiều sâu

Trong thời gian tới, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung nên chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực kinh tế số, có các chính sách hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu dịch vụ số để vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa không bị tính là xuất khẩu hàng hóa và thặng dư thương mại.

Không chỉ tái cấu trúc theo chiều rộng, TPHCM cũng cần tìm kiếm động lực phát triển mới theo chiều sâu. Việc chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và dựa vào tri thức là xu hướng tất yếu.

Thành phố nên đẩy mạnh hình thành các hệ sinh thái công nghệ tại Khu Công nghệ cao, Khu đô thị Sáng tạo phía Đông, cũng như tăng cường hợp tác đại học-doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.

Xa hơn, TPHCM cần chuẩn bị nền tảng để đi tắt đón đầu các công nghệ đột phá trong tương lai như máy tính lượng tử, blockchain lượng tử, người máy hình người (humanoid robots), trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, qua đó tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu không chỉ với tư cách là nhà thầu phụ mà là trung tâm sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Việc làm chủ các công nghệ mới không chỉ giúp TPHCM nâng cao năng suất lao động, mà còn thay đổi hoàn toàn cấu trúc kinh tế, từ nền kinh tế dựa vào chi phí thấp sang nền kinh tế dựa vào tri thức và đổi mới sáng tạo - điều kiện tiên quyết để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn, đồng thời tránh rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".

Tóm lại, quyết tâm của TPHCM trong việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8,5% trong năm 2025 không phải là một lời tuyên bố mang tính chính trị mà cần được nhìn nhận như một đòn bẩy cho tái cơ cấu toàn diện. Trong bối cảnh thế giới đang tái định hình lại trật tự thương mại và công nghệ, chỉ có một thành phố dám nghĩ lớn, dám hành động khác biệt và đầu tư chiều sâu cho đổi mới thì mới có thể giữ vững vị thế đầu tàu, không chỉ cho khu vực phía Nam mà cho cả nền kinh tế Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM)

Top