Phòng cháy, chữa cháy - Bài 2: Đừng để xảy ra cháy mới tìm giải pháp

07/10/2023 9:07 AM

(Chinhphu.vn) - Mỗi người cần chuẩn bị trước các kỹ năng liên quan đến phòng cháy chữa cháy, kể cả những việc đơn giản như sử dụng mặt nạ phòng độc.

Phòng cháy, chữa cháy - Bài 2: Cẩn trọng khi dùng thang dây thoát hiểm - Ảnh 1.

Người dân chăm chú theo dõi kĩ năng thắt dây rút để thoát hiểm phòng khi có hỏa hoạn - Ảnh: Cảnh sát PCCC TPHCM

Thang dây: Không còn giải pháp khác mới phải dùng

Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) khiến 56 người tử vong, nhiều người dân đổ xô đi mua thang dây thoát hiểm. Thực tế, thang dây rất nguy hiểm nếu không biết sử dụng, không có kĩ năng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM nói trường hợp không còn giải pháp nào khác mới dùng tới thang dây thoát hiểm. 

"Leo thang dây rất khó. Phải biết cách sử dụng, và có móc an toàn. Đừng lạm dụng dây thoát hiểm hoặc thang dây vì không khéo mình tự hại mình. Nhiều người tay yếu rất dễ bị trượt té. Thang dây chỉ nên là giải pháp cuối cùng", ông Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Một lãnh đạo từng công tác lâu năm trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ chia sẻ, thực tế rất nhiều người trong lực lượng chuyên nghiệp còn vất vả khi sử dụng thang dây chứ đừng nói tới những người dân bình thường, chưa có kĩ năng, chưa được tập huấn đào tạo. 

Theo vị lãnh đạo này, có hai thiết bị mỗi gia đình cần trang bị là đầu báo cháy độc lập và mặt nạ phòng độc. Đầu báo cháy độc lập để lắp ở những vị trí dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy lan như khu vực để xe, bếp, cầu thang… Khi phát hiện có khói, thiết bị đầu báo cháy độc lập sẽ báo động cho các thành viên trong gia đình kịp thời phát hiện.

Còn mặt nạ phòng độc giúp người dân có khoảng thời gian nhất định không hít phải khói độc, khí độc, bình tĩnh hơn để tìm lối thoát cho mình và các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải biết cách sử dụng. "Đã trang bị thì phải học cách sử dụng và sử dụng thành thạo. Như mặt nạ phòng độc, lúc mới đeo vào sẽ rất bí. Khi mua nên đeo vào dùng thử, nhờ nhân viên chỉ dẫn cẩn thận, mua về phải thường xuyên kiểm tra", vị lãnh đạo chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề nhiều chung cư cũ ở TPHCM không đảm bảo an toàn PCCC, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Cảnh sát PCCC TPHCM đã rà soát, báo cáo uỷ ban để có những biện pháp như di dời, đầu tư, hỗ trợ, tổ chức thực tập diễn tập PCCC giúp trang bị cho người dân những kĩ năng, kiến thức về PCCC, thoát nạn an toàn nếu không may hoả hoạn xảy ra cùng nhiều giải pháp khác nhằm hạn chế rủi ro. 

Phòng cháy, chữa cháy - Bài 2: Cẩn trọng khi dùng thang dây thoát hiểm - Ảnh 2.

Huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi đám cháy mới xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ” là rất quan trọng - Ảnh: VGP

Lực lượng tại chỗ là yếu tố quyết định

Theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TPHCM, có một thực tế hiện nay là nhiều người dân còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề PCCC. Nhiều người quan niệm cháy nổ là "số phận", là "định mệnh", là "trời kêu ai người ấy dạ", nên chỉ khi có sự cố hoả hoạn thảm khốc xảy ra mới lo lắng đi tìm giải pháp.

Người dân cần trang bị cho mình kiến thức, kĩ năng thoát hiểm an toàn khi không may cháy nổ xảy ra. Chẳng hạn cách làm mặt nạ phòng độc đơn giản là khăn áo nhúng nước để ra khỏi đám cháy, không di chuyển bằng thang máy khi hoả hoạn xảy ra, cúi thấp người, trên đường di chuyển nép sát vào tường… Trường hợp phải nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn, hãy vứt chăn, gối, nệm xuống trước để tạo điểm đỡ an toàn khi nhảy xuống, tìm cách bám vào những cấu kiện xây dựng để leo xuống vị trí càng thấp càng tốt và để chân rơi xuống trước…

Cũng theo Thượng tá Đỗ Văn Kháng, một nguyên nhân rất quan trọng khiến nhiều vụ hỏa hoạn trở nên nghiêm trọng là lực lượng và phương tiện ở các cơ sở không đảm bảo.

"Lực lượng PCCC tại chỗ hầu như chỉ có một vài người, thiếu công tác tuần tra, kiểm soát dẫn đến việc phát hiện chậm. Đến khi cháy xảy ra, lửa đã bùng lên thành đám cháy lớn rồi, người dân tri hô thì lực lượng tại chỗ mới biết. Rồi đội hình chữa cháy thì không thể triển khai được, lúng túng nên hoạt động không hiệu quả", ông Kháng nói.

Thậm chí, nhiều chủ đầu tư thiếu quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, không quan tâm kiểm tra hệ thống thiết bị, phương tiện chữa cháy nên khi xảy ra cháy, máy bơm không chạy, vòi chữa cháy không đạt yêu cầu…

Trong chữa cháy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi đám cháy mới xảy ra theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) thì mới tận dụng được "thời điểm vàng", giảm thiểu thiệt hại.

Huy Phạm

Bài 3: Nguyên tắc vàng cần nhớ khi xảy ra cháy chung cư

Top