Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phòng cháy, chữa cháy
(Chinhphu.vn) - Sự phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào sản xuất các phần mềm ứng dụng thực tiễn. Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang là bước đột phá mới, kỳ vọng…
Tại buổi tọa đàm chủ đề "Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp" do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an TPHCM tổ chức trong tháng 12 vừa qua, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc về PCCC ở các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp.
Theo các đại biểu, cho đến nay công tác PCCC vẫn đang gặp những khó khăn chung về khoảng cách PCCC, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, lối thoát nạn, điều kiện ngăn cháy, bố trí mặt bằng, phương tiện PCCC...
Tại buổi tọa đàm này, nói về giải pháp trong công tác PCCC, Đại tá Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC, nhấn mạnh về vai trò thúc đẩy sản xuất, ứng dụng phương pháp, công nghệ mới trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ là rất quan trọng.
Nhiều chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ, đưa AI vào PCCC chính là giải pháp "đi tắt đón đầu" hiệu quả góp phần giải quyết khó khăn lâu nay trong PCCC, đồng thời mở thêm phương cách tiên tiến, hữu ích cho công tác này.
Ông Bùi Duy Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (VinaAI) tại TPHCM, cho biết hơn 5 năm trước ông và các cộng sự đã nung nấu ý tướng về việc áp dụng công nghệ số vào thực tiễn cuộc sống như cảnh báo an ninh, an toàn, PCCC, hạn chế kẹt xe..., nhưng lúc bấy giờ hạ tầng, nền tảng công nghệ còn yếu chưa cho phép bắt tay triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển mạng di động 4G, 5G, Internet thế hệ mới (IPv6) đã tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư nghiên cứu sản xuất các phần mềm ứng dụng.
Và mới đây, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030, trong đó định hướng phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn thành phố, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, đẩy mạnh việc chuyển đổi, ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); Đề án xây dựng hạ tầng phục vụ hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI.
Những điều kiện trên chính là nền tảng thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ tham gia mạnh mẽ hơn. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cảnh báo sớm khói, cháy của VinaAI là ví dụ rất đáng ghi nhận.
Tính thực tiễn và ưu điểm nổi bật của phần mềm này là cảnh báo sớm khi phát hiện có sự cố khói, cháy, phát tia lửa bất thường cho chủ nhà, người có trách nhiệm nhận biết khởi phát đám khói, cháy ban đầu ở vị trí nào, hiện trạng khói, cháy để kịp thời ứng phó, sơ tán người và tài sản trong khoảng "thời gian vàng". Khi phát hiện sớm khói, cháy bất thường, lực lượng tại chỗ có thể khống chế, dập tắt đám cháy, hạn chế đám cháy bùng phát rộng. Trong khi đó phải mất nhiều thời gian để lực lượng PCCC, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp có mặt xử lý.
Phần mềm được lập trình, tính toán khoa học, tỉ mỉ khi mà AI đưa ra cảnh báo sớm nhất (dưới 10 giây) sau khi phân tích, đánh giá hình ảnh, video thu nhận theo thời gian thực từ hệ thống camera được lắp đặt tại vị trí cần phòng ngừa đột nhập và cháy, nổ… Tất cả các hình ảnh, dữ liệu đều được lưu ở máy chủ, dễ dàng trích xuất khi cần thiết.
Phần mềm AI cảnh báo sớm khói, lửa có thể ứng dụng lắp đặt ở kho hàng, bãi xe, căn hộ, trường học, khách sạn… Khi sử dụng phần mềm, không cần thiết phải theo dõi camera 24/7 mà hệ thống thông App sẽ nhanh chóng thông báo tới smartphone, tivi, laptop… của người dùng.
Thực tế lắp đặt phần mềm ứng dụng AI cảnh báo sớm khói, lửa ở các căn hộ chung cư, được nhiều chuyên gia, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại TPHCM đánh giá cao về tính sáng tạo, sự hữu ích, dễ cài đặt…, đã giúp người dân yên tâm hơn khi ra khỏi nhà hoặc khi cần quản lý theo dõi từ xa.
Huy Phạm