Xây dựng sản phẩm "6 địa phương - 1 điểm đến" để tăng sức hút cho du lịch Đông Nam Bộ

30/11/2022 8:49 AM

(Chinhphu.vn) - Ngoài xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp "6 địa phương - 1 điểm đến" làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương, vùng Đông Nam Bộ cũng cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn, cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch.

Xây dựng sản phẩm "6 địa phương - 1 điểm đến" để tăng sức hút cho du lịch Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Lãnh đạo các tỉnh chứng kiến tỉnh Bình Phước bàn giao tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2023 - Ảnh: hcmcpv.org.vn

Chiều 29/11, tại TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã diễn ra Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai việc thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ, Tổng cục Du lịch.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam Bộ đạt trên 73,53 triệu lượt, doanh thu 260.160 tỷ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế. Kết quả ấn tượng này là nhờ vào sự chủ động của các địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó TPHCM - trung tâm điều phối vùng đã phát huy vai trò đầu mối kết nối cả vùng.

Các công ty du lịch tại TPHCM đã đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TPHCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Nổi bật là các tuyến du lịch: TPHCM-Tây Ninh-cáp treo Núi Bà, TPHCM-Vũng Tàu, "Tình đất đỏ miền Đông" TPHCM-Bình Dương-Bình Phước, tuyến du lịch về nguồn TPHCM-Tây Ninh-Trung ương Cục miền Nam…

Cũng trong giai đoạn này, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ đã tổ chức 18 sự kiện du lịch tiêu biểu, cũng như triển khai đề án du lịch thông minh trong quảng bá du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp "6 địa phương - 1 điểm đến", làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn, cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch…

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, chuyên gia kinh tế, các nhà làm du lịch đã thảo luận xoay quanh vấn đề xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố và đặc trưng của vùng, để từ đó tạo ra các chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh, không những tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, mà còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, khu vực, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, người dân có thu nhập cao như vùng miền Đông Nam Bộ hoặc khu vực phía Nam.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, do đó đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết; phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương. Đồng thời, tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng; làm rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn.

Hà An

Top