Ghi nhận 16 ca tử vong do SXH, Sở Y tế kêu gọi người dân chung tay phòng dịch

27/07/2022 3:43 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Y tế TPHCM đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ gửi tin nhắn vận động, kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành y tế Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.

Ghi nhận 16 ca tử vong do SXH, Sở Y tế kêu gọi người dân chung tay phòng dịch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM trình bày báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ngày 27/7, trình bày báo cáo tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM về công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, nhằm triển khai mạnh mẽ các giải pháp phòng, chống SXH trên địa bàn, ngày 24/6, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch 2095/UBND-KH về tổng vệ sinh diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, tất cả các phường, xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổng vệ sinh mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần cho đến hết tháng 9/2022, trọng tâm là tháng 07/2022.

Sở Y tế đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ngành y tế và triển khai quyết liệt công tác phòng, chống SXH. Ban Chỉ đạo họp định kỳ mỗi tháng và đột xuất để rà soát công tác phòng, chống dịch trong tháng qua và đề xuất những giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn Thành phố theo 03 kịch bản : (1) Dưới 2.000 ca, (2) từ 2.000 đến 4.000 ca ; (3) từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại bệnh viện nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong. Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.

Kiểm soát điểm nguy cơ

Theo ông Hưng, kiểm soát điểm nguy cơ là chiến lược kiểm soát chủ động bệnh SXH do Thành phố triển khai từ năm 2010, được cập nhật thường xuyên, lần gần nhất là từ năm 2019. Hiện nay, Viện Pasteur TPHCM cũng khuyến khích các tỉnh thực hiện chiến lược này như là biện pháp kiểm soát dịch bệnh chủ động trong điều kiện nhân lực hạn chế.

Theo phân loại mới nhất, các điểm nguy cơ được chia làm 3 nhóm, gồm: Nhóm 1 là những điểm nguy cơ giao trách nhiệm giám sát cho chủ sở hữu hoặc người đứng đầu, tần suất giám sát của  chính quyền là 3 tháng/lần; Nhóm 2 là những điểm nguy cơ không yêu cầu xóa nhưng phải giám sát đinh kỳ hàng tháng; Nhóm 3 là nhóm điểm nguy cơ bắt buộc phải xóa trong thời gian nhất định do địa phương quyết định, trong lúc chưa xóa được phải giám sát định kỳ hàng tháng.

Kiểm soát điểm nguy cơ nhằm mục đích kiểm soát trung gian truyền bệnh, phòng, chống SXH: Trung bình hằng tháng, toàn Thành phố có 6.423 điểm nguy cơ nhóm 1 (chiếm 50,6%), 5387 nhóm 2 (42,5%) và 872 nhóm 3 (6,9%). Trong 4 tháng đầu năm, tỉ lệ giám sát các nhóm điểm nguy cơ không đạt và tỷ lệ giám sát có cải thiện ở tháng 5, 6, 7. Tuy nhiên, tỉ lệ giám sát vẫn không đạt ở nhóm 2 và 3.

Theo nhận định chung, hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ chưa thực sự tốt, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tần suất giám sát không đạt. Các địa phương chưa quyết liệt trong việc xóa điểm nguy cơ nhóm 2 và xử phạt đối với điểm nguy cơ nhóm 3.

Song song với các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, công tác điều trị SXH Dengue cũng được Ban Giám đốc Sở quan tâm chỉ đạo sâu sát. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn phân tuyến điều trị đối với các cơ sở khám chữa bệnh; chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành tập huấn hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho các bệnh viện tuyến dưới; phối hợp Hội Y học Thành phố tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue cho các phòng khám tư nhân, trạm y tế… Tính đến thời điểm hiện nay, có 15 lớp tập huấn với khoảng 3.600 nhân viên y tế tham dự.

Đối với các ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn họp rút kinh nghiệm từng trường hợp cụ thể để có giải pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong. Sở Y tế cũng đã họp các chuyên gia để xây dựng hướng dẫn điều trị SXH trên thai phụ và có kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị SXH ở các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là hệ thống phòng khám tư nhân.

Ghi nhận 16 ca tử vong do SXH, Sở Y tế kêu gọi người dân chung tay phòng dịch - Ảnh 2.

Tính đến ngày 27/7, trên địa bàn TPHCM có 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 - Ảnh minh họa

Cần sự chung tay của mọi người dân

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để phòng, chống SXH hiệu quả, Sở đề nghị các sở, ban, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tham gia vệ sinh diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay tại cơ quan, ngay nơi làm việc.

Ngoài ra, Sở kiến nghị Thành phố có chính sách, cơ chế để vận hành, duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên cũng như cơ chế chính sách thu hút nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng.

Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ gửi tin nhắn vận động, kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch SXH.

Tăng cường trách nhiệm và hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở xã, phường, thị trấn; tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; có kế hoạch diệt lăng quăng, diệt muỗi hằng tuần; đánh giá kết quả từng đợt ra quân để có biện pháp xử lý tiếp theo. Đẩy mạnh các hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19.

16 ca tử vong do SXH

Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận hơn 32.000 ca SXH, tập trung tại Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Đáng chú ý, đến nay, đã có 16 ca tử vong do SXH, tăng 13 ca so với năm 2021.

Theo báo cáo, trong số 16 ca tử vong thì huyện Củ Chi chiếm nhiều nhất với 4 trường hợp; quận Bình Tân và huyện Bình Chánh mỗi nơi 2 trường hợp; các Quận 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và TP. Thủ Đức mỗi địa phương có một trường hợp.

Về số ca mắc sốt xuất huyết, tính đến ngày 27/7, trên địa bàn TPHCM có 32.011 ca, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, số ca nặng là 502, chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Số ổ dịch tích lũy là 1.888. Tính từ ngày 23/5 đến nay, số ổ dịch phát sinh tại Thành phố là trên 100 ổ dịch/tuần. Các quận, huyện có nhiều ổ dịch là Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Phú.

Anh Thơ

Top